COVID-19: Nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ trong tình trạng nợ nần

Đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á đối mặt với tình trạng suy thoái trong năm 2020; đáng chú ý, sẽ làm cho một số quốc gia ở khu vực thấy rõ hơn rằng mình đang kẹt trong nợ nần.
Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Manila, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Manila, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)

Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) mới đây đã đăng tải bài viết “Đại dịch COVID-19: Các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ trong tình trạng nợ nần” của Tiến sỹ Malcolm Cook.

Bài viết đã chỉ ra những khó khăn và nguy cơ hiện hữu mà đại địch COVID-19 đang gây ra đối với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và tình trạng suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhiều khả năng sẽ xảy ra đối với các quốc gia trong khu vực này.

Nội dung bài viết cụ thể như sau:

Đại dịch COVID-19 đang khiến cho nhiều quốc gia Đông Nam Á đối mặt với tình trạng suy thoái trong năm 2020. Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ làm cho một số quốc gia tại khu vực này thấy rõ hơn rằng mình đang kẹt trong nợ nần.

Đại dịch do virus SARS-CoV-2 đang gây ra những tổn thất kinh tế to lớn không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà trên phạm vi toàn cầu.

Đối với khu vực Đông Nam Á, những tổn thất này dường như được nhân đôi trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Nguồn thu từ việc xuất khẩu và các khoản thuế đang giảm mạnh, trong khi chi tiêu tài khóa ngoài dự kiến (không nằm trong kế hoạch) cũng đang tăng nhanh do nhu cầu ngày càng cao của các chính phủ buộc một số quốc gia phải đứng ra vay thêm nhiều khoản không có trong kế hoạch năm 2020.

Bộ Tài chính Philippines dự tính để đối phó với dịch bệnh COVID-19, quốc gia này sẽ chi thêm khoảng 5,7 tỷ USD cho các khoản vay bên ngoài trong năm 2020, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng ngay cả trong kịch bản khả quan nhất cho Đông Nam Á trong năm 2020, Malaysia và Thái Lan là hai quốc gia sẽ rơi vào suy thoái. Còn trong trường hợp xấu nhất, Indonesia và Philippines là hai quốc gia tiếp bước bước Malaysia và Thái Lan.

Đại dịch COVID-19 gây ra những tác động rất to lớn đối với vấn đề nợ của các thị trường mới nổi. Những tác động này là rất bất lợi và không tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Khi chính phủ các thị trường mới nổi phải vay bên ngoài nhiều hơn, điều kiện vay sẽ ít thuận lợi hơn.

["Việt Nam nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới"]

Báo cáo thống kê nợ quốc tế năm 2020 của WB chỉ ra rằng 3 nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á là Campuchia, Indonesia và Lào sẽ không có thuận lợi để đối phó với sự suy thoái này.

Thông thường, tỷ lệ nợ nước ngoài trên Tổng thu nhập quốc dân (GNI) là trên 60% và tỷ lệ nợ xuất khẩu bên ngoài trên 150% được coi là dấu hiệu cảnh báo về vấn đề nợ bền vững.

Để so sánh, tỷ lệ nợ nước ngoài trung bình trên GNI của 121 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình trong báo cáo là 26%, trong khi tỷ lệ nợ nước ngoài trung bình trên xuất khẩu là 101%.

Lào, nền kinh tế nhỏ nhất ở Đông Nam Á, hiện đang ở trong tình thế khó khăn nhất. Cả hai tỷ lệ nợ bền vững của Lào đều cao hơn các mức cảnh báo và quốc gia này có mức dự trữ ngoại hối và nợ nước ngoài đã tăng nhanh từ năm 2014. Khoảng 52% nợ nước ngoài của Lào là nợ các chủ nợ tư nhân. Song may mắn là chỉ có 3% của tổng số cổ phiếu là các công cụ ngắn hạn.

Tỷ lệ nợ của Campuchia so với tỷ lệ GNI cũng tương đối cao, trong khi ngành dệt may, chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước, đang bị ngưng trệ bởi đại dịch và căng thẳng bởi vấn đề nhân quyền do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

Trong khi đó, cổ phiếu nợ nước ngoài của Campuchia cũng tăng nhanh trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 và vị thế tài chính của Campuchia đã bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 48% nợ nước ngoài của Campuchia thuộc về các chủ nợ tư nhân và 15% tổng số cổ phiếu là các công cụ ngắn hạn.

Tỷ lệ nợ nước ngoài so với tỷ lệ GNI của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang “lơ lửng” trên mức cảnh báo do đất nước có nền kinh tế tương đối khép kín. Khoảng 83% nợ nước ngoài của Indonesia là nợ của các chủ nợ tư nhân và 14% tổng số cổ phiếu là các công cụ ngắn hạn.

Giới chuyên gia cho rằng cũng giống như các quốc gia trên, nhiều khả năng Indonesia sẽ tiếp bước tiến vào tình trạng suy thoái trong năm 2020 và bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus, bởi mức nợ hiện tại của nước này không hỗ trợ tốt cho nền kinh tế đông dân nhất Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục