Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị đối phó với kịch bản dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này bước sang giai đoạn ba, trong đó không loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 18/3 cho biết Thái Lan hiện vẫn trong giai đoạn có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, ông Prayut đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị cho tình huống dịch COVID-19 sang giai đoạn ba, tức là có sự lây lan diện rộng.
Lục quân Thái Lan từ sáng 19/3 sẽ phun thuốc khử trùng trên các đường phố ở thủ đô Bangkok. Các đơn vị quân đội hiện đã được triển khai để tiến hành việc khử trùng và làm sạch đường phố từ 1-5 giờ sáng hàng ngày cho tới cuối tháng 3. Đơn vị pháo phòng không lục quân cùng Cục hóa chất lục quân sẽ phối hợp thực hiện dưới sự hỗ trợ của chính quyền Bangkok.
Thái Lan ngày 18/3 đã xác nhận thêm 35 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca tại nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 lên tới 212 ca. Hiện quốc gia này ghi nhận 1 ca tử vong vì dịch bệnh.
[Dịch COVID-19: Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mốc 200.000 người]
Trong khi đó, ngày 18/3, Israel thông báo đóng cửa vùng Bờ Tây do Palestine kiểm soát để hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2.
Theo Cơ quan điều phối các hoạt động bên trong lãnh thổ của Chính phủ Israel (COGAT), từ ngày 18/3, giới chức Israel bắt đầu áp đặt biện pháp đóng cửa vùng Bờ Tây.
Phát biểu trước báo giới, quan chức phụ trách của COGAT Yotam Shefer cho biết quyết định trên được đưa ra cùng với chính quyền Palestine ở Ramallah.
Các cửa khẩu giữa Israel và Dải Gaza đã đóng cửa trong vài ngày gần đây và sẽ tiếp tục đóng cửa trong những ngày tới. Khoảng 70.000 người Palestine ở Bờ Tây làm việc tại Israel, đi và về hàng ngày qua các cửa khẩu.
Tối 17/3, chính quyền Palestine cũng thông báo những người này có 3 ngày để quyết định sẽ tới Israel lâu dài trong những tháng tới hoặc ở lại Bờ Tây.
Israel thời gian qua đã áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch COVID-19. Người dân được yêu cầu ở trong nhà và chỉ đi ra ngoài khi cần mua thực phẩm hay thuốc thang, đi khám chữa hoặc đi làm. Các công sở cũng được yêu cầu chỉ cho phép tối đa 10 người có mặt làm việc cùng lúc.
Tới nay, 427 người Israel và 44 người Palestine đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa có ca tử vong nào.
Cũng trong ngày 18/3, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) thông báo từ ngày 20/3 quốc gia này sẽ cấm nhập cảnh với những người nước ngoài từ 13 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19.
Thông báo của NCDC nêu rõ tất cả các quốc gia trong danh sách đến nay đều đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm bệnh, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Quyết định có hiệu lực ban đầu trong vòng 4 tuần và tất cả những người nước ngoài đến Nigeria, từng tới các quốc gia kể trên trong thời gian gần đây, cũng được yêu cầu tự cách ly có giám sát và xét nghiệm trong vòng 14 ngày.
Thông báo cũng kêu gọi người dân Nigeria hạn chế mọi hoạt động đi lại không cần thiết tới những quốc gia này đồng thời cho biết chính phủ đã tạm hoãn chương trình cấp thị thực nhập cảnh tại sân bay. Tính đến ngày 18/3, Nigeria ghi nhận 8 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 18/3, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mặc dù nước này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo, Tổng thống Mnangagwa nhấn mạnh việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là biện pháp ngăn ngừa cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bùng phát tại một số nước có chung đường biên giới với Zimbabwe.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mnangagwa thông báo hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày độc lập dự kiến vào tháng 4 tới, hoãn tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Zimbabwe, cấm các sự kiện có sự tham dự của trên 100 người cũng như đình chỉ việc tổ chức các sự kiện văn hóa-thể thao trên toàn quốc.
Ông Mnangagwa cũng khuyến cáo các công dân từ vùng dịch hoãn kế hoạch đến Zimbabwe trong vòng 30 ngày tới cũng như yêu cầu công dân nước này xem xét lại lịch di chuyển đến các vùng có dịch trong cùng thời gian đó.
Hiện khoảng 30 nước châu Phi, chiếm khoảng 2/3 tổng số quốc gia tại châu lục này đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó Ai Cập và Nam Phi có số ca nhiễm nhiều nhất lần lượt là 196 và 116./.