Theo trang mạng eurasiareview.com, các vấn đề liên quan đến hậu quả của COVID-19 rất nan giải vì có nhiều biến số quyết định tốc độ phục hồi của hành tinh sau đại dịch.
Những ẩn số xung quanh tác động đầy đủ của đại dịch này, chẳng hạn như đối với cái gọi là "những thế hệ mất mát" và tình trạng chảy máu chất xám, đang gây tổn hại khi chúng ta cố gắng đánh giá các yêu cầu cũng như những cải cách về kinh tế-xã hội trong tương lai.
Tập trung vào vấn đề chảy máu chất xám, chúng ta biết rằng trong thời kỳ chiến tranh và có sự chênh lệch về kinh tế, tri thức "bị thất thoát." Chảy máu chất xám là sự hao hụt vốn nhân lực và điều đó đang có tác động mạnh mẽ đến “thập kỷ COVID-19."
Tình trạng này xảy ra khi nhiều hoặc tất cả những người thông minh, có năng lực hay có tay nghề trong một lĩnh vực hoặc một khu vực địa lý nhất định rời khỏi khu vực đó hoặc không thể thực hiện công việc của họ, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.
Chảy máu chất xám không chỉ liên quan tới lĩnh vực giáo dục, mà còn liên quan tới việc xã hội loài người bị đơn giản hóa, nơi mà khuynh hướng thoát ly thực tế thay thế cho việc đáp ứng các yêu cầu xã hội và kinh tế.
[Cần nghiên cứu sâu về hậu quả dài hạn của COVID-19 với hệ thần kinh]
Thật không may, COVID-19 đang gây ra những tác động lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân.
COVID-19 kéo dài và các bệnh lý khác ảnh hưởng đến khả năng nhận thức đang gây ra tình trạng chảy máu chất xám. Tác động lâu dài của virus gây COVID-19 đối với con người sẽ khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể.
Các nhà khoa học đã ghi nhận rằng những người mắc COVID-19 có thể bị 203 triệu chứng khác nhau trên 10 hệ thống của cơ thể. Người ta đã chứng minh rằng tình trạng viêm mãn tính, mức độ thấp do nhiễm trùng có thể trở thành "kẻ giết người thầm lặng," vì nó góp phần gây ra bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường type 2 và các bệnh lý khác.
Các cuộc khảo sát y tế cũng chỉ ra rằng các vấn đề về trí nhớ và rối loạn chức năng nhận thức là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến nhất, diễn ra phổ biến như nhau ở tất cả các nhóm tuổi. Các phát hiện khoa học như những phát hiện nói trên cho thấy những gì có khả năng sẽ trở thành "một vết rách sâu" trong cấu trúc nhân khẩu học của các xã hội liên quan tới các kế hoạch phục hồi trong tương lai. Do đó, các nhà khoa học muốn coi khoảng thời gian này là "thập kỷ COVID-19."
Khi đại dịch tiến triển, người ta ngày càng thấy rằng 1/3 số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và không nhập viện điều trị sẽ không thể hồi phục hoàn toàn trong 3 tháng sau đó. Họ bị các triệu chứng bao gồm gặp các khó khăn về nhận thức, mệt mỏi và khó thở.
"Sương mù não" (brain fog) là triệu chứng phổ biến nhất, chỉ tình trạng rối loạn chức năng nhận thức sau khi mắc COVID-19. Những người mắc hội chứng này có thể phải đối mặt với những thách thức làm thay đổi cuộc đời họ và các thách thức đó càng lớn thêm khi đại dịch tiếp tục kéo dài.
"Sương mù não" có thể gây ảnh hưởng tương tự như ảnh hưởng của việc thiếu ngủ hoặc căng thẳng. Nó không giống như tình trạng sa sút trí tuệ và không có nghĩa là có tổn thương cấu trúc của não, nhưng nó gây tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất và ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình, các yếu tố môi trường xã hội.
Nền giáo dục toàn cầu đang gặp rủi ro do tác động của hội chứng này đối với khả năng tư duy, cũng như do các quan điểm khác nhau về việc chính phủ và các quan chức y tế nên triển khai các chính sách như thế nào. Đại dịch đã hủy hoại môi trường giáo dục ở mọi cấp độ, với việc nhiều học sinh có biểu hiện của hội chứng "sương mù não." Điều này có nghĩa là 14 năm tư duy và phát triển của con người có thể bị mất đi.
"Quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học này cần được điều tra đầy đủ ngay bây giờ để tác động của việc chảy máu chất xám có thể xảy ra do hội chứng "sương mù não" sẽ không còn ảnh hưởng đến nhân loại sau năm 2030.
Những người lớn tuổi cũng bị suy giảm khả năng nhận thức sau khi mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là những người mắc các bệnh khác kèm theo. Điều này ảnh hưởng đến các gia đình và gây căng thẳng cho các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các cộng đồng có tỷ lệ lây nhiễm cao. Tác động kéo dài của COVID-19 đối với người lớn tuổi cũng làm nghiêm trọng thêm khủng hoảng chảy máu chất xám. Sự phục hồi trong dài hạn trở thành một thách thức thực sự.
Ảnh hưởng tâm lý mà đại dịch gây ra sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, như nhận định của một số nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia. Những người vẫn đủ sung túc trong môi trường mới này đang dốc tâm trí vào metaverse (vũ trụ ảo) và bitcoin.
Cuộc sống của họ đang chuyển sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong khi những người khác bị bỏ lại phía sau.
Điều này làm dấy lên một câu hỏi cần được thảo luận gấp: Cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ như thế nào vào năm 2030 nếu xét tới tình trạng chênh lệch do "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Những mất mát mà trẻ em và những người đang làm toàn thời gian trong ngành giáo dục đang phải chịu đứng hiện nay sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ sức mạnh trí tuệ của các xã hội. Đây là những vấn đề lâu dài ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện vào thời điểm mà tư duy sâu sắc và khả năng giải quyết vấn đề đang là điều vô cùng cần thiết./.