COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến việc chuyển đổi năng lượng?

Do ảnh hưởng của COVID-19, sự chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể phải trì hoãn một vài năm tại không ít quốc gia.
COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến việc chuyển đổi năng lượng? ảnh 1Một nhà máy điện Mặt Trời. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo giới nghiên cứu, tham vọng chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo của các nước Đông Nam Á có khả năng bị tác động do cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường xuất phát từ sự bùng nổ trên phạm vi toàn cầu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Những năm gần đây, các nước Đông Nam Á đang nỗ lực hướng tới mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng khẩn cấp y tế chưa từng có trong lịch sử đang trở thành ưu tiên tối cao và gánh nặng kinh tế chủ yếu đối với mỗi quốc gia, các mục tiêu trên sẽ còn tương đối xa vời đối với khu vực năng động bậc nhất châu Á-Thái Bình Dương.

Các dự án đánh giá, khảo sát về năng lượng hạt nhân vốn đang được một số nước, trong đó có Indonesia và Philippines, xem xét trong thời gian gần đây, lúc này cũng dự kiến sẽ hoãn vô thời hạn.

Tiến sỹ Philip Andrews Speed, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định sự sụp đổ giá dầu và giá than sẽ làm suy yếu nỗ lực hỗ trợ cho năng lượng tái tạo tại hầu hết các nước, ít nhất là trong ngắn hạn, do các chính phủ còn nhiều vấn đề khác cần cân nhắc, giải quyết. 

Theo ông, chính phủ các nước sẽ có ít khả năng cung cấp nguồn tài chính trực tiếp hỗ trợ và các chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo sẽ bị gián đoạn. Chuyên gia này cho rằng hệ quả tất yếu là sự chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể phải trì hoãn một vài năm tại không ít quốc gia.

Sự yếu kém tài chính trong khu vực

Các quốc gia Đông Nam Á đối mặt với mức tăng trưởng và suy thoái kinh tế thấp hơn. Trong bản báo cáo công bố ngày 31/3, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định khu vực này dường như không thể tránh khỏi các tổn thất nặng nề về kinh tế.

WB dự đoán năm 2020, các nền kinh tế lớn của khu vực gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ gánh chịu mức tăng trưởng âm lần lượt là -5%, -4,6% và -3,5%. 

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Kim Eng thuộc Maybank, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm của Singapore được dự báo sẽ giảm xuống -6% từ mức -2,3% được đưa ra trước đó. Về tổng thể, đây là một kịch bản có thể dẫn tới tình cảnh hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.

Nhìn chung, các quốc gia thành viên ASEAN đang thuộc nhóm sau trong việc đưa ra các thay đổi chính sách và cơ sở hạ tầng cần thiết để cắt giảm hiệu ứng nhà kính.

Trong một phân tích gần đây, Climate Action Tracker, một tập đoàn độc lập chuyên giám sát hành động của các chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cho rằng những nỗ lực của Indonesia và Singapore là không đủ mạnh mẽ để ngăn chặn Trái Đất nóng thêm 2 độ C. Hai nền kinh tế lớn của khu vực là Malaysia và Thái Lan không được đề cập trong bản báo cáo.

Mặc dù việc sử dụng năng lượng giảm đi và các ngành công nghiệp nặng bị đóng cửa sẽ giúp giảm lượng khí thải, nhưng cũng chỉ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn. Điều này là do lượng khí thải carbon toàn cầu có khả năng giảm 5% mỗi năm, mức giảm ấn tượng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, nhu cầu về điện năng trong thời gian tới được dự báo sẽ bùng nổ trở lại sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và do đó, lượng khí thải sẽ tăng cao trở lại.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Đông Nam Á là khu vực thiếu điện năng trầm trọng và sự thiếu hụt (điện năng) tại đây tăng 6% qua mỗi năm, tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu.

Nhu cầu năng lượng đã tăng 80% kể từ năm 2000, dẫn đến việc sử dụng năng lượng hóa thạch tăng hai lần. Thực tế này có thể tăng đến 60% vào năm 2040 dựa trên những chính sách do chính phủ các nước Đông Nam Á đã công bố.

Trong giai đoạn tài khóa yếu kém, vấn đề quan trọng trong các nền kinh tế đang phát triển là có thể chuyển sang cung cấp năng lượng rẻ nhất có thể. Hiện nay, việc thay thế các nguồn năng lượng truyền thống bằng công nghệ mới sạch hơn với giá thành trả trước cao hơn có vẻ kém hấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Đây là tin tức xấu đối với hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo đắt đỏ mà hầu hết đang trong thời kỳ xây dựng dở dang. Đồng thời, các dự báo về sản lượng của các hệ thống năng lượng Mặt Trời dự kiến sẽ bị cắt giảm.

Theo bà Daine Loh, chuyên gia phân tích về điện và năng lượng tái tạo tại Fitch Solutions, nền tảng tài chính yếu của các thị trường Đông Nam Á cũng mang đến rủi ro bất lợi đáng kể trong việc hoàn thiện các dự án nhiệt điện quy mô lớn và các thủy điện mới trong trung hạn, gia tăng nguy cơ trì hoãn và hủy bỏ hầu hết các dự án nổi bật nhất được tài trợ chủ yếu từ nguồn vốn chính phủ.

Phát triển năng lượng hạt nhân gặp khó

Thực tế này cũng phản ánh tác động đối với tham vọng của chính phủ các nước hay các nhà sản xuất điện năng muốn chuyển sang sử dụng điện hạt nhân.

Tiến sỹ Andrews Speed cho rằng với sự tăng trưởng kinh tế bị đình trệ và giá nhiên liệu hóa thạch giảm, năng lượng hạt nhân không có sức hấp dẫn trong ngắn hạn.

Theo ông, chi phí vượt mức ở châu Âu đã khiến nhiều quốc gia buộc phải dừng các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, ngoại trừ một số nước với nguồn ngân sách dồi dào.

Năm 2018, Indonesia công bố lộ trình phát triển các lò phản ứng điện hạt nhân thử nghiệm và gần đây đã đưa ra dự thảo luật. Dự luật này nếu được thông qua sẽ cho phép nước này phát triển điện hạt nhân. Đây là một quyết định khiến nhiều nhóm hoạt động môi trường phản đối quyết liệt.

Ông Satrio Swandiko Prillianto, nhà vận động cho chiến dịch năng lượng tái tạo hòa bình Xanh của Indonesia, cho biết nếu cân nhắc khoản ngân sách khổng lồ cần đầu tư cho các nhà máy điện hạt nhân, kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của Indonesia có thể bị dừng lại. Thực tế các nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động từ 30 đến 40 năm và điều này có nghĩa là chúng có thể sẽ cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Indonesia chiếm khoảng 35% nhu cầu điện của khu vực và nhu cầu ngày càng gia tăng và nước này chủ yếu sử dụng điện sản xuất từ than đá. Chính phủ của Tổng thống Jokowi cũng đang nỗ lực tìm cách chuyển đổi gần 25% nhu cầu điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, một số dự án khai thác than mới đang tiếp tục hoạt động, năng lượng hóa thạch vẫn tiếp tục chi phối. Các loại thuế đánh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài và sự thay đổi mang tính bản chất đối với năng lượng sạch khó có thể xảy ra.

[IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ tăng trưởng âm do COVID-19

Trong khi đó, Philippines dự báo nhu cầu điện tăng gấp ba lần vào năm 2040, trong khi sản xuất điện tại quốc gia Đông Nam Á này phụ thuộc vào than đá và chi phí cực kỳ đắt đỏ đối với khách hàng.

Tổng thống Rodrigo Duterte và các bộ ngành đã thể hiện kỳ vọng trong việc thăm dò, đánh giá khả năng sản xuất điện hạt nhân. Nước này có khả năng tân trang một nhà máy hạt nhân bị bỏ hoang được xây dựng vào những năm 1970.

Với sự hỗ trợ từ tập đoàn Rosatom của Nga, khoản chi phí từ 3-4 tỷ USD đã được đề xuất để cải tạo cơ sở hạt nhân Bataan, vốn là một địa điểm hấp dẫn du khách hiện nay và gây tranh cãi trong quá khứ.

Theo các chuyên gia, với lệnh phong tỏa đất nước do dịch COVID-19 hiện tại, kế hoạch này dường như sẽ bị hủy bỏ một lần nữa.

Bà Daine Loh cho rằng không có dự án năng lượng hạt nhân nào sẽ đi vào hoạt động trong thập kỷ tới. Theo bà, việc xây dựng các cơ sở điện hạt nhân liên quan đến chi phí vốn lớn và những lo ngại về khả năng chi trả sẽ còn quan trọng hơn đối với các thị trường mới nổi.

Động lực cho sự chuyển đổi năng lượng tái tạo

Bất chấp những thất bại, lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn có tín hiệu lạc quan và cơ hội để đạt được những bước tiến trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Chuyên gia Daine Loh nhận định sự chậm lại trong các hoạt động kinh tế thực sự làm suy yếu nhu cầu điện trong năm 2020. Điều này có thể làm giảm áp lực đối với nhu cầu sản lượng điện ở mức cao nhất và giải phóng một số không gian chính sách, từ đó giúp chính phủ các nước theo đuổi các chương trình chuyển đổi năng lượng. Tình hình này có thể thúc đẩy các chính phủ sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện cho đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo trong nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng trên thị trường.

Đồng thời, việc lãi suất giảm xuống 0% hoặc thậm chí lãi suất âm ở một số quốc gia, chi phí vay vốn giảm sẽ tạo điều kiện cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tiến sỹ Krib Sitathani, Giám đốc dự án của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Thái Lan đánh giá, trong tình hình suy thoái kinh tế, các chính phủ sẽ tìm cách thiết lập các chính sách để xây dựng lại các giải pháp tốt hơn và các giải pháp khí hậu tích hợp đầy đủ là một trụ cột trong xây dựng một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Ông nhận định cũng có khả năng nhiều chính phủ nhân cơ hội này để quản lý rủi ro để ổn định chi phí năng lượng thông qua việc tăng sản xuất năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ ổn định sản xuất điện năng mà còn đảm bảo chi phí dễ dự báo hơn.

Trong bản báo cáo thường niên năm 2019, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế chỉ rõ châu Á đã dẫn đầu thế giới về tăng trưởng năng lượng tái tạo khi tăng 7,6% nguồn cung và chiếm 54% nguồn bổ sung năng lượng tái tạo toàn cầu mới trong năm 2019. Cơ quan này cũng dự báo triển vọng cho năm 2020 sẽ thay đổi và vẫn duy trì niềm tin vào quỹ đạo dài hạn của năng lượng tái tạo.

Tiến sỹ Andrew Speed khuyến nghị các nước vượt qua ảnh hưởng về mặt kinh tế và xã hội từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tốt hơn có thể chọn làm mới danh mục đầu tư của mình và hỗ trợ các loại hình năng lượng sạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục