Cử tri Hà Nội đóng góp ý kiến phát triển kinh tế-xã hội

Cử tri Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong phiên thảo luận tại hội trường về nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 28/10, trong phiên thảo luận tại hội trường của các đại biểu Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, cử tri Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Phiên thảo luận đã được tường thuật trực tiếp qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Giúp cử tri hiểu và đồng thuận với những quyết sách của Chính phủ

Cử tri Nguyễn Đình Thắng ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) bày tỏ, suy giảm kinh tế có tác động rất lớn đến mỗi người nông dân trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông cho biết vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, việc tiêu thụ củ dong riềng (để chế biến miến, bánh đa) của gia đình ông Thắng và nhiều hộ nông dân gặp khó khăn. Đến nay, việc tiêu thụ đã khả quan hơn. Thực tế này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc trở lại.

Cử tri đánh giá cao về những điều hành nỗ lực, đúng hướng của Chính phủ để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Tại các buổi thảo luận, những nội dung được nhiều cử tri quan tâm như các gói kích cầu, thị trường nội địa, hàng Việt Nam, phát triển thủy điện… cũng đã được các vị Bộ trưởng làm rõ hơn, giúp cử tri hiểu hơn và đồng thuận với những quyết sách của Chính phủ để phát triển đất nước.

Tán thành với một số kiến nghị, giải pháp mà nhiều đại biểu đề cập, cử tri Nguyễn Đình Thắng cho rằng, để tiếp tục tạo những chuyển biến mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong năm 2010, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cho nông dân ở những nội dung quan trọng như cơ sở hạ tầng ở một số vùng còn khó khăn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận thuận lợi và nhanh chóng hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Các doanh nghiệp cũng phải “vận động”, nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Đức Hướng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Hướng cho rằng để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao thì không phải chỉ “vận động” người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cũng phải “vận động”. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng nâng cao ý thức trách nhiệm và xem việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một biểu hiện của lòng yêu nước, các doanh nghiệp cũng phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng được các thương hiệu có uy tín và có chiến lược bảo vệ thương hiệu; chủ động quảng bá, tiếp thị để phát triển các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; tổ chức tốt mạng lưới bán hàng và hệ thống dịch vụ để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Nếu chỉ chú tâm vào vận động người mua mà không nâng cao chất lượng hàng hóa, tổ chức mạng lưới bán hàng và chăm sóc khách hàng không tốt, doanh nghiệp cũng không thể phát triển bền vững được.

Ông Hướng bày tỏ băn khoăn về việc chương trình “Xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009” đã được Bộ Công Thương đã triển khai từ tháng 4 nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa tiếp cận được gói “kích cầu” này.

Ông hy vọng tháng khuyến mại tại Hà Nội (từ 31/10 đến hết tháng 11/2009), thu hút từ 350-500 doanh nghiệp tham gia với các chương trình khuyến mại hấp dẫn, sẽ là một dịp để thực hiện tốt chương trình này .

Cần những chính sách để kích thích sự tăng trưởng

Bà Vũ Vân Nga, công tác tại Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đánh giá, các đại biểu Quốc hội thảo luận “thẳng thắn, có nhiều ý kiến tâm huyết" về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập đến những vấn đề "nóng" về chính sách phát triển kinh tế-xã hội; xóa đói giảm nghèo; điều chỉnh chỉ tiêu xuất, nhập khẩu; phát triển kinh tế ở các tỉnh miền núi.

Bà Nga cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc, điều mà các doanh nghiệp cần là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều đó khiến doanh nghiệp tiết giảm được khá nhiều chi phí hoạt động cũng như xóa nhòa địa giới hành chính và doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội phát triển như vùng đồng bằng.

Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng bản thân doanh nghiệp lại không thể đủ năng lực để đào tạo mà cần đến sự "trợ lực" của Chính phủ. Sự "cứu trợ" này sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tái cấu trúc thành công, sử dụng được nội lực thay vì phải thuê nhân công nước ngoài.

Đây chính là cơ hội để tạo việc làm cho người lao động. Nền kinh tế nước nhà cần những chính sách tài khóa để kích thích sự tăng trưởng hơn là những chính sách tiền tệ cào bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục