Cử tri nhất trí cao trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN-MT

Cử tri một số địa phương bày tỏ nhất trí cao với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường tại phiên họp lần thứ 20 của UBTVQH.
Ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ được dư luận quan tâm.

Sau đây là ý kiến của cử tri một số địa phương về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

Tại Đắk Lắk: Bày tỏ thống nhất cao với các ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang, ông Trần Văn Sĩ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách.

Cụ thể, diện tích đất do các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng bào di cư ngoài kế hoạch đến khai hoang, lấn chiếm, phá rừng để sản xuất nông nghiệp vi phạm Chỉ thị số 1685 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không quy định thời điểm chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật nên địa phương còn vướng mắc trong việc đăng ký, xét cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích này.

Đối với các trường hợp giao đất trái với thẩm quyền, tại khoản 1, Điều 8, Thông tư 93 của Bộ Tài chính quy định hộ gia đình, cá nhân đã kê khai, nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển mục đích đất đang sử dụng không phải đất ở sang đất ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 1/3/2011 thì áp dụng thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định 120 có hiệu lực.

Tuy nhiên, ngành thuế lại không áp dụng văn bản trên mà áp dụng Công văn số 1173 của Thủ tướng Chính phủ, thu tiền sử dụng đất 40% đối với diện tích trong hạn mức giao trước ngày 15/10/1993, giao đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 thu 50% đối với diện tích trong hạn mức, không kể trường hợp nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, hoặc chuyển mục đích đất đang sử dụng không phải đất ở sang đất ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước hoặc sau ngày 1/3/2011.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị định 198 ngày 2/12/2004 của Chính phủ quy định chuyển mục đích từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không công nhận là đất ở sang đất làm nhà ở, thu bằng 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất theo giá đất nông nghiệp. Nhưng ngành thuế chỉ đạo thu 100% đối với diện tích chuyển mục đích với lý do, trên Giấy chứng nhận không ghi là đất vườn, ao.

Đa số diện tích đất ở chưa được cấp Giấy chứng nhận đất ở tập trung chủ yếu là vùng sâu, vùng xa do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hoặc đồng bào di cư ngoài kế hoạch đến khai hoang, khi cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất hoặc lệ phí trước bạ, nên đồng bào không đến đăng ký hoặc không nhận Giấy chứng nhận...

Ông Trần Văn Sĩ kiến nghị Chính phủ cho phép cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân tự khai hoang, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004 và đã chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120 ngày 30/12/2010 của Chính phủ theo hướng quy định thống nhất như trường hợp quy định tại Điều 14 của Nghị định số 84: Trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 và không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức, thu bằng 50% diện tích vượt hạn mức theo bảng giá đất ở do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành vào ngày 1/1 hàng năm khi cấp Giấy chứng nhận...

Đối với các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, Vườn quốc gia hiện chưa có kinh phí để tổ chức rà soát các thông tin về rừng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 ngày 29/1/2011, của Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Sĩ đề nghị Chính phủ cho phép cấp Giấy chứng nhận theo hiện trạng sử dụng đất; miễn tiền thuê đất nông nghiệp đối với các nông, lâm trường quốc doanh như hộ gia đình, cá nhân. Đề nghị Chính phủ cho phép không xử phạt nộp chậm tièn sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận.

Ông Trần Văn Sĩ cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương để đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc, thống kê chi tiết hiện trạng sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị định 28 vì hiện nay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm trường diễn ra khá phổ biến do chưa có kinh phí để đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc ngoài thực địa. Đồng thời hỗ trợ đủ kinh phí (162,9 tỷ đồng) để tỉnh Đắk Lắk sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2013, theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Tại Hải Phòng: Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã cam kết với các đại biểu Quốc hội đến 31/12/2013 tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 85%. Hải Phòng đang nỗ lực cùng cả nước thực hiện lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội. Để làm được điều này, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao cho các đơn vị chức năng, đến hết năm 2013 phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần lượt theo tỷ lệ sau: Tại khu vực đô thị cấp cho 16.247 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 90,1%; cấp cho hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn được 5.060 (đạt 90,6%); cấp 1.220 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuyên dùng đối với các tổ chức; cấp 350 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo.

Giải pháp cụ thể Hải Phòng đưa ra là giao Sở Xây dựng cho ý kiến thỏa thuận quy hoạch đối với 304 điểm sử dụng đất của các cơ sở tôn giáo theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện cấp kinh phí cho công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; giao sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn nhân lực (điều động một số cán bộ ở các phòng, đơn vị khác thuộc sở) để hoàn thành kế hoạch của ủy ban nhân dân thành phố giao.

Tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hiểu rõ, hiểu sâu pháp luật đất đai, áp dụng cho công tác chuyên môn. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện tận dụng các tài liệu, bản đồ hiện có để lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không chờ đo, vẽ bản đồ địa chính. Những trường hợp đã xác định rõ nguồn gốc đất đai, phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp hoặc tách riêng phần tranh chấp thì cấp ngay giấy chứng nhận cho người dân.

Theo ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trình bày rất rõ nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm việc cấp phép trong khai thác khoáng sản, như cấp phép không đúng thẩm quyền, không đánh giá tác động môi trường, không đánh giá trữ lượng khoáng sản. Đó cũng là thực trạng của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Để việc khai thác đá mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động xấu đến môi trường và an toàn cho người lao động, mong Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của ngành và các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty khai thác khoáng sản; yêu cầu các đơn vị tuân thủ quy trình an toàn khai thác, quy hoạch lại một số mỏ, nhất là những mỏ có công suất thấp.

Trong thẩm quyền của mình, huyện Thủy Nguyên đã tích cực thanh tra, kiểm tra hoạt động của các mỏ đá trên địa bàn. Trong thời điểm nạn khai thác đá “thổ phỉ” diễn ra nóng bỏng, huyện phải cử công an và lực lượng quân sự chốt tại các điểm vi phạm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành động manh động của các đối thượng tham gia khai thác đá trái phép.

Tại Đồng Nai:
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Tài nguyên-Môi trường, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến về thực trạng và sử lý của ngành trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, công tác câp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí và sử lý đơn khiếu nại tố cáo về đất đai của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.

Về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện có 48 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với tổng trữ lượng khai thác là 636,75 triệu m3, trong đó chủ yếu là khai thác đá xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, tình trạng vận chuyển khoáng sản gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông vẫn chưa khắc phục được; việc phục hồi môi trường ở các khu vực đã ngừng khai thác mỏ thực hiện chậm; tình trạng khai thác khoáng sản không phép xảy ra phổ biến ở nhiều nơi. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp tích cực để khắc phục những tồn tại nêu trên.

Trong công tác cấp giấy chứng nhận, toàn tỉnh đã cấp được 611.673 giấy chứng nhận, hoàn thành căn bản công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tỉnh. Để hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận theo Nghị quyết của Quốc hội, ông Hưng đã đề xuất để giải quyết được 33.851 giấy chứng nhận quyền sử dung đất đang còn tồn đọng, tỉnh thì cần niêm yết công khai và vận động nhân dân thực hiện ghi nợ nghĩa vụ tài chính để người dân an tâm đến nhận.

Về tình trạng sử dụng đất, đến nay, tỉnh Đồng Nai đã khai thác diện tích 1.462ha đất hoang hóa, đồi núi đưa vào sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp; đồng thời chuyển 11.018ha đất nông nghiệp sang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp để xây dựng và chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Theo ông Hưng, phần lớn các dự án đều triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, sử dụng đất đạt hiệu quả. Tuy vậy, có một số trường hợp còn lãng phí trong sử dụng đất đai như Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng; nhiều khu đô thị, khu dân cư mặc đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh nhưng chưa xây dựng nhà ở theo quy hoạch, bỏ đất hoang hóa,...

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý cụ thể từng trường hợp, trong đó đã thu hồi 205ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 257 triệu đồng. Sở đang tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tiếp tục công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng đất lãng phí.

Trong Công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua đạt được nhiều tiến bộ. Số lượng đơn khiếu kiện về đất đai ngày càng giảm. Tỉnh đã bồi thường bổ sung đối với 27.763m2 đất, giải quyết tái định cư cho một trường hợp.

Đối với các vụ việc phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, tài liệu có liên quan; báo cáo, đề xuất hướng xử lý cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ./.

Quang Huy, Minh Thu, Lê Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục