Cử tri quan tâm đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Phiên thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2014 thu hút cử tri.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015). 

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri cả nước.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại một số ý kiến cử tri về phiên thảo luận tại Quốc hội.

Tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài

Bà Nguyễn Thị Tâm (65 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Bắc Ninh, trú tại Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10, tôi rất đồng tình với ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội về việc cần thiết phải tăng đầu tư công để “cứu” nền kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, hụt thu ngân sách lớn mà vẫn cần vốn cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách Nhà nước thì tăng vọt so với con số dự toán. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư, việc cắt giảm đầu tư công sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế chững lại. Vì vậy tôi đồng tình với ý kiến cho rằng nên cho phép phát hành trái phiếu, nới trần bội chi để mở rộng đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng lâu dài, kích thích thị trường.”

Theo bà Tâm, Chính phủ cần giao nhiệm vụ, khuyến khích các tỉnh, thành phố chủ động, sáng tạo trong việc tăng thu, hạn chế chi ngân sách; rà soát các khoản chi chưa thực hiện, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, thu hồi những khoản chi chưa phân bổ. Việc tăng thu ngân sách có thể tập trung vào các nội dung: tiết kiệm chi thường xuyên, hạn chế mua sắm xe công, không bố trí ngân sách xây dựng, sửa sang các trụ sở; giảm tổ chức các lễ kỷ niệm, míttinh; giảm thiểu đi công tác trong và ngoài nước; sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng...

Luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự-Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu ý kiến việc tăng đầu tư là cần thiết nhưng khoản vốn tăng thêm này cần được kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, tránh thất thoát, thiếu hiệu quả, khiến tăng gánh nặng nợ công cho quốc gia. Nguồn vốn này cũng cần được xem xét, phân tích kỹ lưỡng theo hướng nên ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực thiết yếu, những dự án, công trình quan trọng có thể tạo ra chuyển biến mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc tăng đầu tư công, Chính phủ cũng nên cân nhắc tới việc huy động tăng tỷ lệ đầu tư tư nhân, bởi nguồn tiền nhàn rỗi trong dân lâu nay vẫn được đánh giá là rất tiềm năng, song chưa được khai thác đúng hướng, tạo hiệu quả thiết thực.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ "tam nông"

Cử tri Triệu Xuân Hòa, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường đầu tư và mức đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vùng Tây Nguyên, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn. Bên cạnh đó ưu tiên các nguồn vốn ODA, các chương trình, dự án quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, thủy lợi, giải quyết nước sạch, các công trình phúc lợi và có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cử tri Triệu Xuân Hòa kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp và hỗ trợ kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện, xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế nhằm tạo điều kiện cho các địa phương vùng Tây Nguyên hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, có chính sách bảo hộ đặc thù với các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng Tây Nguyên, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm thế mạnh của vùng, giúp các địa phương vùng Tây Nguyên từng bước ổn định sản xuất gắn kết với thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ yếu như càphê, cao su, tiêu, chè, mật ong...

Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm tổ chức đánh giá, tổng kết các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên; qua đó xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên; nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi để vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Quan tâm đến hiệu quả sản xuất của nông dân

Theo cử tri Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm nông dân Đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 1.000 đồng/kg lúa do giá lúa giảm, làm cho thu nhập của nông dân giảm theo.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng tập trung sản xuất lương thực nên giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới dự báo không tăng. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét và cho chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng để tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân.

Việc điều hành sản xuất nông nghiệp cũng như xuất khẩu lúa gạo thời gian qua do 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương cùng quản lý, điều hành nên còn có nhiều điểm chồng chéo. Chính phủ cần chỉ đạo, phân định rõ, có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm tăng hiệu quả sản xuất, chế biến xuất khẩu hay chuỗi giá trị của hạt gạo, giúp người nông dân có lợi nhuận cao hơn.

Cử tri Trần Thành Nghiệp, Ủy viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cho rằng giá cả các hàng nông sản do nông dân Đồng bằng sông Cửu Long làm ra như lúa, cây ăn trái, mía, cá tra... luôn gặp điệp khúc "trúng mùa, mất giá" nhưng vẫn có vụ không trúng mùa vẫn rớt giá. Cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp điều hành để nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi tình trạng trên.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng

Nhất trí cao với ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, cử tri Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk bổ sung thêm một số ý kiến, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo cử tri Trang Quang Thành, công tác quản lý rừng bền vững và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên cũng như tỉnh Đắk Lắk thời gian qua có chuyển biến, nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, các mô hình hoạt động của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng còn bộc lộ nhiều bất cập; việc quy hoạch, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp chưa hiệu quả; thiếu kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng; tình trạng rừng bị chặt phá trái phép vẫn còn phức tạp...

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, cử tri Trang Quang Thành kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm triển khai dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng khu vực Tây Nguyên cũng như tỉnh Đắk Lắk; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên. Diện tích đất chưa có rừng hiện quy hoạch phát triển rừng phòng hộ ở những khu vực không thực sự xung yếu chuyển sang phát triển rừng sản xuất gắn với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trên cơ sở đó giao trách nhiệm quản lý cụ thể từng lô rừng cho chủ rừng và chính quyền cơ sở, tăng cường quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp...

Cũng theo cử tri Trang Quang Thành, đối với các công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh thì chuyển thành các ban quản lý rừng, đồng thời sắp xếp lại các ban quản lý rừng hiện có, áp dụng cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp có thu.

Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; phân biệt rạch ròi chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với quản lý bảo vệ rừng, xác định diện tích rừng phòng hộ cần bảo vệ để có chính sách cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho loại hình doanh nghiệp này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục