Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị triệt để xử lý tham nhũng, tiêu cực

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến của cử tri phát biểu đều phản ánh được ý chí, nguyện vọng không chỉ của cá nhân cử tri mà cả ý chí, nguyện vọng chung của cử tri các xã.
Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị triệt để xử lý tham nhũng, tiêu cực ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Khắc Định trả lời những kiến nghị của cử tri huyện Vũ Thư. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngày 27/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại các huyện, thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tiếp xúc cử tri 15 xã phía Bắc của huyện Vũ Thư.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 22/5, bế mạc vào ngày 23/6/2023. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1, từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; đợt 2, từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023.

Kỳ họp thứ 5 sẽ xem xét, thông qua 8 luật và 2 nghị quyết gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các dự án luật gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội dự kiến xem xét các báo cáo: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội khóa XV...

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri phát biểu ý kiến nhất trí với dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 5, đồng thời đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua có nhiều đổi mới.

Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị triệt để xử lý tham nhũng, tiêu cực ảnh 2Cử tri Bùi Thị Thảo, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình trình bày các kiến nghị. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bên cạnh đó, cử tri Bùi Thị Thảo (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) cho rằng, hiện nay cán bộ xã, cán bộ thôn phải làm rất nhiều việc nhưng lương, phụ cấp chưa hợp lý, còn thấp, ảnh hưởng đến đời sống và công tác chuyên môn; vấn đề cán bộ Văn phòng đảng ủy xã không là công chức.

Cử tri Nguyễn Đức Chính (thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư) phản ánh vấn đề sách giáo khoa hiện nay còn nhiều bất cập như giá cao, hầu như không sử dụng lại được cho năm học sau, gây tốn kém cho gia đình, khó khăn cho nhà trường. Việc mỗi trường sử dụng một bộ sách gây khó khăn cho những học sinh chuyển trường.

[Đại tướng Phan Văn Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Thái Nguyên]

Cử tri Nguyễn Văn Giang (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư) phản ánh tại địa phương, việc cấp "sổ đỏ" cho người dân rất chậm, Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây được thông qua, Quốc hội cần có chỉ tiêu cấp "sổ đỏ" cho nhân dân và có thời gian cấp nhanh như làm căn cước công dân, rất hiệu quả.

Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị triệt để xử lý tham nhũng, tiêu cực ảnh 3Cử tri Nguyễn Văn Bốn, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình trình bày các kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngoài ra, cử tri còn phản ánh và đề nghị triệt để xử lý tham nhũng, tiêu cực; phải công tâm khi luân chuyển cán bộ; xử lý tình trạng trong xây dựng nông thôn mới "cái nào dân trực tiếp làm thì bền, chắc, còn cái nào thuê công ty làm thì nhanh xuống cấp..."

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các cử tri phát biểu nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, rõ ràng, rành mạch, có tính xây dựng rất cao.

Các ý kiến phát biểu đều phản ánh được ý chí, nguyện vọng không chỉ của cá nhân cử tri mà cả ý chí, nguyện vọng chung của cử tri các xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết có những việc sẽ gửi Quốc hội, gửi các bộ, có việc chuyển Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện để tiếp thu, trả lời. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm ghi chép cẩn thận, tổng hợp làm văn bản để gửi các cơ quan chức năng.

Đối với ý kiến của cử tri Bùi Thị Thảo nói trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đã phản ánh đến Quốc hội, đã làm việc với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ đã trả lời là ghi nhận ý kiến của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội.

Còn vấn đề cán bộ Văn phòng đảng ủy xã không là công chức, đây là quy định của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Tổ chức cơ sở đảng, tức Đảng ủy xã không thành lập cơ quan chuyên trách để tham mưu giúp việc.

Cấp ủy phân công cấp ủy viên phụ trách các mặt công tác văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận và tất cả các thành viên đều kiêm nhiệm, không có biên chế cho Đảng ủy xã.

Về vấn đề sách giáo khoa còn nhiều bất cập, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay Quốc hội đang giám sát về chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Vừa qua cũng đã phát hiện một số tiêu cực của Nhà xuất bản Giáo dục, đã bắt, khởi tố một số đối tượng trong việc mua giấy, in ấn, phát hành, đẩy giá sách lên cao...

Vấn đề lựa chọn loại sách như thế nào, giám sát như thế nào, đảm bảo sách sử dụng lại được, sách giáo khoa chính thức và hệ thống sách tham khảo phải ít, phải đồng bộ, tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh và phải tiết kiệm cho xã hội, tất cả những yêu cầu này đã đặt ra trong nhiệm vụ giám sát của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội.

Nói về Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là luật vô cùng quan trọng, gắn liền với quyền lợi của từng người trong xã hội. Riêng luật này phải qua ba kỳ họp Quốc hội mới thông qua; giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai phải tổ chức lấy ý kiến toàn dân.

Vừa qua, trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổng hợp. Dự kiến ngày 13/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày nghe Chính phủ báo cáo về việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân.

Quốc hội chủ trương giảm tối đa các nghị định Chính phủ hướng dẫn, giảm tối đa các thông tư của các bộ, để luật nhanh đi vào cuộc sống...

Năm 2022 tiếp xúc cử tri ở huyện Vũ Thư cũng đã có nhiều ý kiến về việc chậm cấp "sổ đỏ," Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo phòng chức năng làm nhanh cho người dân.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trao tặng 1.000 cuốn sách tham khảo, luyện thi, Bác Hồ và Biển đảo, văn học, kiến thức sức khỏe dinh dưỡng, kỹ năng phát triển bản thân... cho học sinh, cán bộ, giáo viên trường Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (huyện Vũ Thư)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục