Cuba kiên định con đường chủ nghĩa xã hội

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ (1/1/1959), cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel Castro chống lại chế độ độc tài bù nhìn Fulgencio đã kết thúc thắng lợi, mở ra một trang sử mới đối với quốc đảo vùng Caribê này.

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ (1/1/1959), cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel Castro chống lại chế độ độc tài bù nhìn Fulgencio đã kết thúc thắng lợi, mở ra một trang sử mới đối với quốc đảo vùng Caribê này.

Sau 50 năm, Cuba vẫn tiếp tục là một thành trì vững chãi của chủ nghĩa xã hội ở Tây Bán cầu. Nhân sự kiện đặc biệt này,  phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Cuba tại Việt Nam, ngài Fredesman Turro Gonzalez, người đã từng có 20 năm học tập, công tác tại Việt Nam và rất thạo tiếng Việt.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện lịch sử này đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cuba?

Tôi cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất của chiến thắng 1/1/1959 đối với cách mạng Cuba chính là sự kết thúc của quá trình đấu tranh hơn một thế kỷ của nhân dân Cuba để giành lại độc lập và tự do. Như chúng ta đã biết, nhân dân Cuba bắt đầu cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc từ năm 1868 chống thực dân Tây Ban Nha và sau đó là thời kỳ Cuba trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Dưới sự chỉ huy tài tình của Tổng tư lệnh Fidel Castro, cuộc đấu tranh của nhiều thế hệ nhân dân Cuba đã kết thúc bằng thắng lợi lịch sử năm 1959, lật đổ chế độ độc tài Batista và đưa Cuba trở thành một đất nước thật sự độc lập và tự do.

Đại sứ có thể nói thêm về những thành tựu nổi bật của cách mạng Cuba, cũng như những nỗ lực của nhân dân Cuba vượt qua khó khăn, trở ngại trong thời gian qua?

Trước tiên cần phải khẳng định rằng cách mạng Cuba trong 50 năm qua đã đạt được những thành tựu lớn lao. Mặc dù kinh tế của đất nước chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ 2 năm sau khi cách mạng thành công, Chính phủ Cuba đã ngay lập tức tiến hành chiến dịch xóa nạn mù chữ bởi chỉ có tri thức mới giúp đất nước đi lên trên con đường phát triển như người thầy của cách mạng Cuba Jose Marti từng nói: “Có văn hóa là có tự do”. Từ đó đến nay nền giáo dục của Cuba đã đạt được rất nhiều thành công và được công nhân là một trong những nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.

Y tế cũng là một lĩnh vực điển hình của cách mạng Cuba. Trước năm 1959, lĩnh vực này ở Cuba không thực sự phát triển nhưng ngay sau khi cách mạng thành công, với những chính sách ưu tiên và sự đầu tư hợp lý với mục tiêu tất cả vì lợi ích của nhân dân, nền y tế của Cuba đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hiện nay, tuổi thọ trung bình ở Cuba đối với nữ giới là 78 tuổi và nam giới là 77 tuổi.

Về khoa học kỹ thuật, Cuba cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó nổi bật là công nghệ sinh học. Ngoài ra, thể thao Cuba cũng đạt được nhiều thành công và là một trong những cường quốc trên thế giới.

Nói tóm lại, cách mạng Cuba dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay đã đạt được nhiều thành thành công được cả thế giới thừa nhận, đặc biệt là trong các lĩnh vực xã hội liên quan tới đời sống của nhân dân, trong bối cảnh vẫn phải chịu đựng cuộc bao vây cấm vận của Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, Đại sứ đánh giá như thế nào về những thách thức trên con đường cách mạng mà Cuba đã lựa chọn?

Đối với Cuba, thách thức lớn nhất từ trước tới nay là chính sách thù địch của Mỹ. Cuộc bao vây cấm vận gắt gao của Mỹ đã gây cho đất nước chúng tôi không ít khó khăn, đặc biệt là về kinh tế, khiến Cuba không nhận được viện trợ của các nước khác hoặc là các nguồn tín dụng của các tổ chức tài chính thế giới. Kế đến, như Chủ tịch Raul Castro đã nói hồi tháng 7/2007, Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lương thực và hiện nay chúng tôi bắt đầu phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Ngoài ra, Cuba năm nào cũng phải hứng chịu những đợt thiên tai gây thiệt hại rất nặng nề. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những thay đổi tích cực trong những năm gần đây ở khu vực Mỹ Latinh với sự xuất hiện của một loạt các chính phủ cánh tả đã đem lại khá nhiều thuận lợi cho Cuba.

Với tất cả những vấn đề nêu trên, tôi muốn khẳng định rằng thách thức, khó khăn vẫn còn nhiều nhưng chắc chắn nhân dân Cuba một lần nữa sẽ lại vượt qua để tiếp tục kiên định trên con đường đã lựa chọn và chắc chắn cách mạng Cuba sẽ tiếp tục thành công.

Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ anh em giữa Cuba và Việt Nam, cũng như phương hướng để tăng cường mối quan hệ đặc biệt này?


Đại sứ Fredesman Turro: Quan hệ giữa Cuba và Việt Nam là một mối quan hệ mẫu mực như chúng ta vẫn thường nói. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960 đến nay, Cuba và Việt Nam đã trải qua gần 50 năm gắn bó rất đặc biệt. Về chính trị, mối quan hệ giữa hai bên luôn ở mức cao nhất. Quan hệ kinh tế thương mại trước đây có khó khăn do điều kiện đặc thù của Cuba không thúc đẩy được nhưng rất mừng là trong những năm gần đây bắt đầu tăng và có xu hướng đi lên. Một số công ty của Việt Nam đã bắt đầu đầu tư vào Cuba.

Phải thừa nhận rằng những cố gắng của cả hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại lên ngang tầm với mối quan hệ chính trị bắt đầu có kết quả. Tóm lại, quan hệ chính trị giữa hai nước là mẫu mực, hợp tác kinh tế thương mại có nhiều triển vọng và hai bên vẫn tiếp tục phấn đấu để khai thác được tất cả những tiềm năng của mỗi nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục