Cục diện Trung Đông dưới góc nhìn của truyền thông Israel

Jerusalem Post phân tích cục diện Trung Đông hiện nay dưới góc nhìn của Israel đối với 2 quốc gia là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng xu hướng các nước Arab nối lại quan hệ với Israel trong năm qua.
Cục diện Trung Đông dưới góc nhìn của truyền thông Israel ảnh 1Hình ảnh chuyến bay từ Israel đến Maroc. (Ảnh: The Times of Israel)

Tờ Jerusalem Post - một tờ báo tiếng Anh của Israel có xu hướng chính trị trung hữu - ngày 29/12 có bài phân tích về cục diện Trung Đông hiện nay dưới góc nhìn của Israel đối với 2 quốc gia “thù địch” là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và xu hướng các nước Arab nối lại quan hệ với Israel trong năm qua.

Theo đó, cục diện Trung Đông hiện nay về cơ bản là một hệ thống liên minh “tam giác.”

Cạnh thứ nhất của tam giác gồm Iran và các đồng minh Iraq, Liban, Syria và Yemen. Iran không có nhiều quốc gia đồng minh; thay vào đó là các nhóm nổi dậy và các lực lượng phi nhà nước ở các quốc gia có nền chính trị yếu kém. Iran thích nhắm vào các nước khác, khai thác các tổ chức và bộ máy chính quyền để khống chế nước khác, đầu tư dài hạn vào các nhóm chiến binh người Shi’ite. Đó là cách Iran khống chế chính phủ Iraq.

Chính đảng lớn thứ 2 ở Iraq là Liên minh Fatah đang ủng hộ Iran. Tại Iraq, Iran có 100.000 người được vũ trang trong lực lượng Hashd al-Shaabi, có móc nối với Liên minh Fatah. Tại Liban, Iran có Hezbollah.

Mặc dù người đứng đầu Hezbollah là Michel Aoun theo Công giáo, nhưng người này đứng về phía Iran. Tại Syria, Iran có đồng minh là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoài ra, Iran cũng bắt tay với các lực lượng ở thung lũng Sông Euphrates, gần Cao nguyên Golan, Palmyra, Masyaf... Đồng thời, Iran tiếp tục chuyển vũ khí và huấn luyện cho phong trào Houthi ở Yemen, sử dụng nhóm này để chống lại Saudi Arabia.

Năm 2019, Iran sử dụng máy bay không người lái và tên lửa hành trình để tấn công Saudi Arabia. Đây là một phần của chiến dịch Iran sử dụng tên lửa tấn công quân đội Mỹ tại Iraq và ở cả Israel.

[Israel và Ai Cập phối hợp khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông]

Cạnh thứ hai của tam giác gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh. Đảng cầm quyền ở Ankara có nguồn gốc từ nhóm Anh em Hồi giáo, vốn ủng hộ Hamas ở Gaza và đã hai lần tiếp đón các thủ lĩnh cấp cao của Hamas trong năm nay.

Các báo cáo cho thấy Hamas đã lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc tấn công, được hỗ trợ hộ chiếu và sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm căn cứ cho các cuộc tấn công mạng nhằm vào Israel.

Mặc dù cuối năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đánh tiếng muốn nối lại quan hệ với Israel sau nhiều năm so sánh Nhà nước Do Thái với chế độ Phát xít Đức, song Ankara vẫn liên tục ủng hộ các nhóm khủng bố và cực đoan. Thổ Nhĩ Kỳ có các đồng minh Hồi giáo khác được tuyển mộ ở Syria và Libya.

Ankara chiêu mộ các tay súng nổi dậy ở Syria và cung cấp các tay súng này cho một loạt nhóm cực đoan mà nước này huy động để chống lại người Kurd và Armenia. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ xóa sạch nhóm thiểu số người Kurd ở Afrin (Syria), với hy vọng phá hoại chính sách của Mỹ tại Syria.

Cạnh thứ ba của tam giác là sự nổi lên của liên minh gồm các nước Israel, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Jordan, Bahrain, Hy Lạp và Cyrus.

Israel đã nối lại quan hệ với Bahrain và UAE dựa trên các hiệp định Abraham. Với sự ủng hộ của Saudi Arabi, Maroc đã "theo chân."

Sudan cũng nhất trí nối lại quan hệ với Israel. Các thỏa thuận này có được đều nhờ sự ủng hộ quan trọng của Mỹ: Lời hứa cung cấp vũ khí cho UAE, chấm dứt cấm vận với Sudan, công nhận vùng lãnh thổ Tây Sahara cho Maroc.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành nhiều nỗ lực trong năm cuối nhiệm kỳ để tạo ra sự thay đổi cho Trung Đông. Các thỏa thuận nối lại quan hệ với Israel mang lại tiềm năng hợp tác kinh tế lớn cho Israel và vùng Vịnh.

72.000 người dân Israel đã bay sang Dubai để du lịch và tránh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).

Năm 2020 có một sự thay đổi lớn do đại dịch COVID-19 bùng phát, song hầu hết những vấn đề khác vẫn chưa thay đổi, khi mà Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực thi các chính sách lợi dụng sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ, trong đó có việc Mỹ rút quân khỏi khu vực, để giành quyền kiểm soát ở Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục