Cục Du lịch Quốc gia "bắt tay" Traveloka thúc đẩy phát triển bền vững

Sáng nay, ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và nền tảng du lịch Traveloka vừa ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hỗ trợ phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: BTC)
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: BTC)

Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) và nền tảng du lịch Traveloka vừa được ký kết vào sáng nay, ngày 31/10, tại Hà Nội.

Cái “bắt tay” này thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác công-tư, và cam kết chung lâu dài nhằm thúc tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu, đánh giá cao việc Traveloka đã phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong suốt thời gian qua cũng như hỗ trợ tổ chức sự kiện ý nghĩa và quan trọng này.

Đặc biệt, lãnh đạo ngành du lịch đề nghị Traveloka trong thời gian tới tiếp tục đồng hành, hợp tác với du lịch Việt Nam trong các hoạt động như xúc tiến quảng bá điểm đến, truyền thông thúc đẩy Chuyển đổi Số… Qua đó, góp phần đưa du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển.

Nhà đồng sáng lập Traveloka, ông Albert Zhang nhận định Biên bản ghi nhớ đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách trong nước và quốc tế tại Việt Nam đồng thời quảng bá các điểm đến du lịch địa phương tới du khách trong nước và các thị trường trọng điểm ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Cục Du lịch Quốc gia "bắt tay" Traveloka thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 1Cái bắt tay hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và nền tảng du lịch Traveloka. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông qua mối quan hệ đối tác được tăng cường này, đại diện Traveloka cho biết nền tảng sẽ hướng tới thúc đẩy Chuyển đổi Số và du lịch bền vững, thông qua chia sẻ kiến thức và các dự án hợp tác khác đồng thời trở thành đối tác tin cậy lâu dài của Việt Nam.

Ông Albert đánh giá, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển Kinh tế Xanh, và có cơ hội nổi bật như một quốc gia dẫn đầu về tiến bộ Kỹ thuật Số trong khu vực Đông Nam Á.

“Thông qua việc cung cấp hàng loạt tính năng toàn diện trên cùng một nền tảng du lịch, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc Số hóa các quy trình du lịch. Nỗ lực hợp tác này sẽ phục vụ cho nhu cầu du lịch ngày càng tăng tại các điểm nóng du lịch của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của các đối tác và doanh nghiệp địa phương,” ông Albert cho hay.

[Công nghệ số sẽ thay đổi xu hướng du lịch thông minh Việt Nam thế nào?]

Kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2015, Traveloka đã nỗ lực thiết lập và phát triển hệ sinh thái hợp tác giữa chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý du lịch và các bên liên quan trong ngành.

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam một lần nữa cho thấy Traveloka đánh giá cao tiềm năng của thị trường du lịch trong nước và mong muốn hoạt động lâu dài tại Việt Nam để phát triển ngành du lịch, lan tỏa khát vọng du lịch đến người Việt Nam thông qua công nghệ hiện đại. Đại diện nền tảng cũng cam kết liên tục đổi mới và mang lại nhiều lợi ích hơn cho toàn bộ hệ sinh thái du lịch của mình.

Cục Du lịch Quốc gia "bắt tay" Traveloka thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 2Du lịch Việt hướng tới phát triển bền vững. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cùng với lễ ký kết Biên bản ghi nhớ là tọa đàm cấp cao về “Quan hệ đối tác công-tư trong quản lý và phát triển các điểm đến du lịch.” Tọa đàm đóng vai trò như một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự hợp tác giữa khu vực công và tư, để hướng tới mô hình phát triển và quản lý điểm đến du lịch tốt nhất.

Sự kiện quy tụ các bên hữu quan từ khu vực công và tư, các tổ chức quốc tế và cơ quan du lịch địa phương để thúc đẩy hợp tác, và huy động các nỗ lực tập thể hướng tới tăng trưởng bền vững.

Ông Hà Văn Siêu đánh giá công tác xây dựng và quản lý điểm đến du lịch trong nước còn chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến bộc lộ nhiều yếu kém, tự phát… trong quá trình du lịch Việt Nam vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đang tạo sức cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực.

Vì thế, quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây.

Đặc biệt, việc thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công-tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia rất quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục