Cúm A/H1N1 chỉ diễn biến nặng đối với người có bệnh mãn tính

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường, bệnh chỉ diễn biến nặng đối với những người có bệnh nền mãn tính.
Cúm A/H1N1 chỉ diễn biến nặng đối với người có bệnh mãn tính ảnh 1Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước thông tin có 1 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường. Bệnh chỉ diễn biến nặng đối với những người có bệnh nền mãn tính.

Theo đó, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

[TP. Hồ Chí Minh: Một người tử vong do nhiễm cúm A/H1N1]

Bệnh cúm mùa lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm; nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A/H1N1 và cúm B gây nên.

Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông và mùa Xuân.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng từ đầu năm 2016 và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm.

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh cúm A/H1N1, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng... cần thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương; nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Đặc biệt, những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Nếu phải tiếp xúc với người bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét.

Người dân không được tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục