Củng cố quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 26-28/3 và thăm chính thức Cộng hòa Haiti từ 28-29/3.
Củng cố quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Đại tướng Raul Castro Ruz, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba tháng 7/2012. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Nhận lời mời của Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro Ruz, Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 26-28/3 và thăm chính thức Cộng hòa Haiti từ ngày 28-29/3.

Củng cố quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Cuba tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960. Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước của Việt Nam đồng thời thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, văn hóa-thể thao...

Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc song phương (trong năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cuba và Chủ tịch Raul Castro Ruz thăm Việt Nam; trong năm 2013, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Maguel Diaz Canel thăm Việt Nam và Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thăm Cuba).

Hai bên duy trì cơ chế hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ thường niên, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, ngành nhằm tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Kỳ họp 30 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Cuba tại La Habana tháng 9/2012, Kỳ họp 31 tại Hà Nội tháng 9/2013 đã tập trung trao đổi các nội dung hợp tác nông nghiệp, cung cấp gạo, giáo dục, y tế, xây dựng, công nghệ sinh học..., khẳng định sự nhất trí cao tiếp tục đưa mối quan hệ hợp tác phát triển thực chất, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình cụ thể mỗi nước.

Hai bên đã thống nhất nội dung Chương trình nghị sự kinh tế trung hạn giữa hai Chính phủ để ký kết trong thời gian tới. Trao đổi kinh tế-thương mại giữa hai nước năm 2011 đạt 274 triệu USD; năm 2012 đạt 175 triệu USD; chín tháng năm 2013 đạt 203,7 triệu USD (trong đó Việt Nam xuất 198,2 và nhập 5,5 triệu USD).

Trong chuyến thăm chính thức Cuba lần này, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ trao đổi các biện pháp lớn nhằm tiếp tục củng cố quan hệ bạn bè truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba; nâng cao hiệu quả quan hệ kinh tế, thương mại; thúc đẩy mở rộng hợp tác đầu tư song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Haiti

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 26/9/1997), quan hệ giữa Việt Nam và Haiti tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12/2012, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Haiti tới Việt Nam và cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước.

Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba kiêm nhiệm Haiti; tháng 12/2013, Haiti mở Đại sứ quán và cử Đại biện thường trú tại Hà Nội. Do điều kiện chính trị, an ninh và kinh tế của Haiti và khoảng cách địa lý giữa hai nước nên quan hệ song phương chưa phát triển nhiều; hai nước duy trì quan hệ hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Sau trận động đất ngày 12/1/2010 tại Haiti, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Haiti; Chính phủ Việt Nam thông qua Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam viện trợ 150.000 USD cho Haiti để khắc phục hậu quả động đất...

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe tháng 12/2012, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Haiti phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 42 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, bột giấy, phế liệu sắt thép, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến thức ăn gia súc từ Haiti và xuất khẩu gạo, hàng dệt may, mây tre, gỗ và sản phẩm đồ gỗ, hóa chất, sản phẩm chất dẻo và hàng hóa khác sang Haiti.

Liên doanh NATCOM về viễn thông (với vốn góp của Viettel 60%, Chính phủ Haiti 40%) hoạt động có hiệu quả và vươn lên đứng đầu thị trường viễn thông di động tại Haiti. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) đã cung cấp 66.000 tấn gạo cho Haiti trong năm 2013 theo tinh thần Bản ghi nhớ về Thương mại gạo Việt Nam-Haiti (ký tháng 12/2012).

Hai bên đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư cấp Chính phủ; Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế-Tài chính Haiti (ký tháng 12/2012); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp (ký 12/2012).

Chuyến thăm chính thức Haiti của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi các biện pháp, phương hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam Haiti đang đà phát triển năng động, qua đó thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư và hợp tác Nam-Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục