'Cùng tồn tại cạnh tranh' có phải là chiến lược quan hệ Mỹ-Trung?

Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) mới nhất của Mỹ ủy thác Tổng thống Donald Trump đệ trình lên Quốc hội vào ngày 1/3 tới đây một chiến lược toàn diện của chính phủ để đối phó với Trung Quốc.
'Cùng tồn tại cạnh tranh' có phải là chiến lược quan hệ Mỹ-Trung? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP)

Trang mạng eurasiareview.com, Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) mới nhất của Mỹ ủy thác Tổng thống Donald Trump đệ trình lên Quốc hội vào ngày 1/3 tới đây một chiến lược toàn diện của chính phủ để đối phó với Trung Quốc.

Một chiến lược “cạnh tranh cùng tồn tại” đã nổi lên như một thách thức trong “quản lý” quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Thoạt nhìn, thuật ngữ này nghe có vẻ đáng tin cậy dù nhạy cảm. Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng hơn, nó thực sự không thực tế, sai lầm, mâu thuẫn nội tại và thậm chí còn nguy hiểm.

Tác giả và là người đưa ra khái niệm này là giáo sư Andrew Erickson thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ.

Ông là chuyên gia bậc thầy về quân sự Trung Quốc và đã nhiều lần điều trần trước các Ủy ban quốc hội liên quan đến “mối đe dọa Trung Quốc” bao gồm nguồn gốc, giới hạn và mục đích của học thuyết “những người không mặc áo màu xanh” (lực lượng dân quân biển Trung Quốc) và tác dụng của họ trong việc thúc đẩy các chính sách và lợi ích của Trung Quốc.

Báo National Interest mới đây đăng bài viết của giáo sư Erickson phân tích thêm cơ sở hợp lý của khái niệm và phương pháp thực hiện. Nó bắt đầu với giả định rằng Trung Quốc có thể-và nên-được “quản lý.” Đây cũng có thể là việc làm vô ích.

Theo bài báo này, những trụ cột chính của mô hình này bao gồm “phản đối các hành xử gây hại của Trung Quốc;” “chấp nhận rủi ro và cọ sát để đánh giá lại hành động của Trung Quốc” và “giữ vững lập trường ở những khu vực tranh chấp.”

Điểm quan trọng cuối cùng là phải “giảm bớt căng thẳng và theo đuổi các lợi ích chung đến mức tối đa khi Bắc Kinh sẵn sàng làm vậy.” Điều này sẽ tương đối khó khăn nhưng vẫn có thể làm được nếu ba trụ cột đầu tiên được thực hiện.

Quả thực, nếu làm vậy sẽ có thể khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế và ngăn chặn nước này. Trung Quốc có thể sẽ phản ứng sau đó và căng thẳng bao trùm sẽ gia tăng.

Hơn nữa, giải pháp chính sách của khái niệm này về cơ bản bác bỏ khả năng đàm phán và sự linh hoạt khi yêu cầu Mỹ phải “rõ ràng, cứng rắn và chắc chắn ngay từ đầu.”

[Tổng thống Trump đánh giá tích cực đàm phán thương mại Mỹ-Trung]

Nghiêm trọng hơn, nó ủng hộ Mỹ củng cố “các lợi ích cốt lõi của nước này cũng như của các đồng minh và đối tác” - một thuật ngữ bao trùm một loạt vấn đề tranh cãi hiện nay ở khắp khu vực châu Á. Nhưng còn vấn đề duy trì “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” hiện nay thì sao. Tất nhiên, Trung Quốc xem “trật tự” quốc tế này được xây dựng bởi Mỹ và đem lại lợi ích cho Mỹ và các đồng minh của nước này.

Theo bài báo của giáo sư Erickson, “cạnh tranh chắc chắn xảy ra” và “do bởi xung đột hệ thống chính trị, lợi ích và giá trị, cạnh tranh và sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh được.”

Bài báo cung cấp một ví dụ cụ thể về nơi Mỹ nên “giữ vững lập trường.” Nó chỉ rõ sự chồng chéo các lợi ích của Mỹ-Trung Quốc ở Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bài báo cho rằng “Những vùng biển này, cùng với các vùng nước và vùng trời quốc tế liên quan đến chúng, là một phần quan trọng của môi trường toàn cầu, trong đó hệ thống quốc tế hoạt động hiệu quả và công bằng.” Điều này là đúng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó đang được hiểu sai và thậm chí giả dối. Nó ám chỉ mối đe dọa có chủ ý của Trung Quốc đối với các tuyến đường biển ở Biển Đông.

Không có mối đe dọa như vậy đối với giao thông thương mại và không thể xảy ra trong thời bình. Vấn đề thực sự là Trung Quốc coi một số hoạt động quân sự của Mỹ ở đây và trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Việc kết hợp có chủ ý hai mối lo ngại này là một sự dối trá.

Nguy hiểm hơn, bài báo hối thúc Mỹ “chủ động giúp đỡ đồng minh và đối tác theo đuổi các quyền lợi pháp lý và lợi ích của họ” vì thế đẩy “Bắc Kinh vào thế phòng thủ.” Đây là công thức cho cuộc đối đầu và xung đột, chủ yếu là về chính trị, kinh tế và thậm chí có thể khiến các quốc gia châu Á nhỏ hơn tăng cường chi tiêu quân sự do bị mắc kẹt địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Có sự đạo đức giả trong phân tích của bài báo này. Nó cho rằng Trung Quốc sử dụng “sức mạnh kinh tế để đối phó với các đồng minh và đối tác của Mỹ và trực tiếp can thiệp vào hoạt động chính trị của các nước trên khắp thế giới.” Điều này là có thể. Nhưng đây là cái mà Mỹ đã làm để gia tăng ảnh hưởng quốc tế của mình và họ tiếp tục làm như vậy.

Bài báo cũng cho rằng Trung Quốc “thử Mỹ để tiếp tục đánh giá khả năng chịu đựng của nước này.” Nhưng đây là cái chính xác Trung Quốc nghĩ Mỹ đang làm với các hoạt động tình báo và tăng cường chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông.

Những lời kêu gọi Mỹ áp dụng chiến thuật “đối áp” để ngăn chặn hành động tiêu cực của Trung Quốc. Có lẽ là hợp lý khi Mỹ “kháng cự,” Trung Quốc “chọn cách không leo thang” để chứng tỏ “hạn chế sự thèm muốn rủi ro của Bắc Kinh.”

Những suy nghĩ và hành động như vậy có thể dẫn tới những tính toán nguy hiểm. Khi sức mạnh và sự tự tin của Trung Quốc tăng lên, "sự thèm muốn rủi ro" của nước này cũng tăng theo.

Bài báo kết luận rằng “việc miêu tả Mỹ và Trung Quốc như những cổ đông chiến lược nên theo đuổi thực tế cùng tồn tại cạnh tranh là một điểm tốt để khởi đầu. Nhưng từ khóa ở đây là “thực tế.” Chi tiết về chiến lược “cạnh tranh cùng tồn tại” khiến nó không thực tế và thậm chí còn nguy hiểm như một giải pháp chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục