Cuộc chiến Airbus và Boeing vẫn chưa thể ngã ngũ

Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã đáp ứng đúng hạn chót mà WTO đưa ra về việc yêu cầu châu Âu ngừng trợ giá cho hãng hàng không danh tiếng Airbus, nhằm chấm dứt tranh cãi kéo dài gần một thập kỷ qua với hãng đối thủ Boeing của Mỹ.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ và tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing khẳng định rằng cuộc tranh cãi này vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 vừa qua đã đáp ứng đúng hạn chót mà WTO đưa ra về việc yêu cầu châu Âu ngừng trợ giá cho hãng hàng không danh tiếng Airbus, nhằm chấm dứt tranh cãi kéo dài gần một thập kỷ qua với hãng đối thủ Boeing của Mỹ.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ và tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing khẳng định rằng cuộc tranh cãi này vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Người phát ngôn của Ủy viên phụ trách các vấn đề thương mại EU John Clancy khẳng định rằng EU sẽ tôn trọng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với WTO. Hiện EU đang làm việc với chính phủ các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh và cả hãng Airbus về một loạt biện pháp, theo đó giải quyết dứt điểm mọi hình thức trợ giá cũng như những tranh cãi giữa hai tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, ông Clancy chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về nội dung của bản báo cáo, dự kiến sẽ nhận được phản hồi từ WTO vào ngày 19/12 tới. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk tuyên bố rằng nước này cần thời gian để kiểm chứng cam kết của EU.

Sau khi tiến hành các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, WTO đã phán quyết rằng Tập đoàn Airbus đã nhận nhiều tỷ USD trợ giá sai quy định từ chính phủ nhiều nước châu Âu. Bản phán quyết dày 1.200 trang tuyên bố các khoản tiền mà Anh, Đức và Tây Ban Nha hỗ trợ Airbus để chế tạo máy bay A380 bị liệt vào những khoản trợ giá xuất khẩu sai quy định. Diễn biến này nằm trong vụ kiện mà Mỹ, đặc biệt là Boeing, đã theo đuổi từ năm 2004. Tuy nhiên, WTO chỉ chấp nhận 3 trong 7 khiếu nại của Mỹ.

Ủy ban giải quyết tranh chấp của tổ chức này cho rằng việc Chính phủ Pháp giúp đỡ tài chính để sản xuất A380 và một số mẫu máy bay khác là hoàn toàn hợp lệ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2012 , ông Kirk nhấn mạnh rằng các quan chức Mỹ sẽ không chỉ cảnh giác hơn với EU trong lĩnh vực hàng không mà cả các vấn đề thương mại khác.

Ngay sau đó, EU cũng lên án Mỹ đã tài trợ không hợp pháp cho Boeing thông qua ưu đãi thuế và một số quỹ nghiên cứu quân sự. Ngoài ra, hãng hàng không châu Âu này mới đây cũng cáo buộc Nhà Trắng đã cạnh tranh không minh bạch bằng cách giúp Boeing giành được hợp đồng mua máy bay kỷ lục với Indonesia nhờ vào hành động “đi cửa sau.”

Giám đốc kinh doanh của Airbus cho biết các cuộc vận động hành lang, mà đại diện là Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giúp Boeing chiến thắng trong việc giành hợp đồng mua bán này, khi mà các cuộc cạnh tranh giữa Washington và EU về vấn đề trợ giá cho hai hãng hàng không danh tiếng này vẫn chưa thể ngã ngũ.

Tháng trước, Tổng thống Obama thông báo rằng hãng hàng không lớn nhất nước này đã giành được đơn đặt hàng 230 máy bay phản lực từ hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia trị giá 21,7 tỷ USD, đây là thương vụ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của Boeing.Kết quả này sẽ giúp nước Mỹ có thêm khoảng 110.000 việc làm và mang lại lợi thế cho ông Obama trong cuộc bầu cử vào năm tới./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục