Cuộc chiến chống Venezuela được xây dựng dựa trên sự dối trá

Trong bài phân tích mới đây đăng trên mạng Globalresearch.ca, nhà báo John Pilger nhận định cuộc chiến của phương Tây chống lại Venezuela hiện hoàn toàn được xây dựng dựa trên những điều dối trá.
Cuộc chiến chống Venezuela được xây dựng dựa trên sự dối trá ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: AFP)

Cuộc chiến của phương Tây chống lại Venezuela hiện nay hoàn toàn được xây dựng dựa trên những điều dối trá. Đó là nhận định của nhà báo John Pilger trong bài phân tích mới đây của ông đăng trên trang mạng Globalresearch.ca. Nội dung bài phân tích như sau:

Khi lên nắm quyền, Hugo Chavez từng hứa rằng mỗi hành động của ông sẽ phải tuân theo ý muốn của người dân.

Trong 8 năm, Chavez đã chiến thắng 8 cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân - một kỷ lục thế giới. Ông là người đứng đầu nhà nước được lòng dân nhất tại Tây bán cầu, và có lẽ cả trên thế giới.

Tất cả các cải cách lớn của Chavez đều được người dân bỏ phiếu. Đáng chú ý nhất là một bản hiến pháp mới mà trong đó 71% người dân đã bỏ phiếu từng điều một trong số 396 điều khoản quy định các quyền tự do mà người dân Venezuela chưa từng được nghe nói tới trước đây, như điều 123, lần đầu tiên công nhận các quyền cơ bản của những người lai và người da đen.

Người dân coi cố Tổng thống Hugo Chavez và Chính phủ của ông như những anh hùng của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với người bản địa, người lai và người gốc Phi - những đối tượng đã bị khinh miệt dưới các chế độ tiền nhiệm của Chavez và bởi những người sống cách xa dân, trong những ngôi nhà hay căn hộ sang trọng tại Đông Caracas, những kẻ thường đến Miami, nơi có các ngân hàng mà họ hay gửi tiền, và những người tự coi mình là "người da trắng."

Hiện các đối tượng này là cốt lõi của những gì giới truyền thông gọi là "phe đối lập."

Mặc dù chính trị bản sắc là vấn đề rất thịnh hành trên báo chí tự do phương Tây, song "chủng tộc" và "đẳng cấp" là hai từ gần như không bao giờ được báo chí xuyên tạc của Mỹ nhắc đến, trong khi Washington đang nỗ lực nắm lấy nguồn dầu mỏ lớn nhất của thế giới và biến Venezuela thành "sân sau" của mình.

Bất chấp mọi lỗi lầm mà những người theo chủ nghĩa Chavez mắc phải, như việc đã để nền kinh tế Venezuela trở thành con tin của kho tài sản dầu mỏ và chưa bao giờ nghiêm túc giải quyết vấn đề tham nhũng, song họ đã mang lại công bằng xã hội và niềm tự hào cho hàng triệu người, và họ làm được những điều đó với một nền dân chủ chưa từng có ở Venezuela.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã nhận xét rằng trong số 92 cuộc bầu cử mà Trung tâm Carter (một trung tâm có uy tín chuyên giám sát các cuộc bầu cử trên thế giới do ông Carter thành lập) từng giám sát, quá trình bầu cử ở Venezuela là tốt nhất trên thế giới.

[Venezuela xem xét đáp trả lệnh trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Mỹ]

Ngược lại, theo cựu Tổng thống Carter, hệ thống bầu cử Mỹ - vốn chỉ tập trung vào vấn đề gây quỹ để thực hiện chiến dịch tranh cử - là "một trong những hệ thống bầu cử tồi tệ nhất."

Ông Chavez đã mở rộng quyền bầu cử của người dân cùng với nâng cao quyền tự chủ của chính quyền cấp xã, dựa trên những khu vực dân cư nghèo nhất.

Tại Barrio La Linea, trong căn bếp nhỏ của mình, Beatrice Balazo tâm sự rằng các con của cô là thế hệ đầu tiên của những người nghèo được đến trường cả ngày với bữa ăn nóng và được học các môn nghệ thuật và âm nhạc.

Tại Barrio La Vega, cô y tá da đen Mariella Machado nói chuyện với một hội đồng phụ trách đất đai đô thị về các chủ đề từ vô gia cư đến chiến tranh bất hợp pháp.

Ngày hôm đó, họ đã giới thiệu một chương trình chống đói nghèo cho những bà mẹ đơn thân.

Theo Hiến pháp, phụ nữ có quyền được trả tiền khi ở nhà chăm sóc gia đình và có thể vay tiền từ một ngân hàng đặc biệt dành cho phụ nữ.

Hiện nay, các bà nội trợ nghèo nhất nhận được số tiền tương đương 200 USD một tháng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, gần 100% người dân Venezuela biết chữ. Đây là kết quả của Nhiệm vụ Robinson - một kế hoạch được lập ra cho người trưởng thành và thanh thiếu niên trước đây không được đi học vì nghèo đói.

Sau khi ông Chavez qua đời vào năm 2013, người kế nhiệm ông là Nicolas Maduro, lúc đó là Phó tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao.

Dưới sự cầm quyền của ông Maduro, giá dầu giảm dẫn đến lạm phát và khiến giá cả tăng trong khi Venezuela phải nhập khẩu gần như tất cả các thực phẩm thông thường.

Tuy nhiên, như phóng viên, nhà làm phim Pablo Naverrete đã nói trong tuần vừa qua, Venezuela không rơi vào thảm họa tồi tệ như giới truyền thông nước ngoài mô tả.

Ông nói: "Thức ăn có ở khắp mọi nơi. Tôi đã quay nhiều đoạn phim về thực phẩm bày bán đầy ngoài chợ (trên khắp Caracas)...Tối thứ sáu, các nhà hàng đều chật kín."

Năm 2018, Maduro tái đắc cử. Một bộ phận của phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử - một chiến thuật nhằm chống lại ông Chavez.

Tuy nhiên, âm mưu tẩy chay này bị thất bại khi có 9.389.056 người đi bỏ phiếu, 16 đảng tham gia và 6 ứng cử viên tranh cử tổng thống. Ông Maduro thu được 6.248.864 phiếu bầu, tương đương 67,84%.

Vào ngày bỏ phiếu, một trong 150 quan sát viên nước ngoài theo dõi. Một trong số họ khẳng định cuộc bầu cử không có gì bất thường, không có gian lận, và điều đó thật đáng kinh ngạc.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ giới thiệu Juan Guaido là "Tổng thống chính nghĩa của Venezuela."

Tuy nhiên, theo báo El Nacional, 81% người dân Venezuela chưa bao giờ nghe nói về Juan Guaido, và không ai bỏ phiếu bầu cho ông Guaido.

Tuy nhiên, những lời dối trá về Venezuela của những người ủng hộ Juan Guaido được dựng lên vì họ được trả tiền để làm điều đó, nhất là từ những kẻ luôn rêu rao về tự do dân chủ.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học West of England đã nghiên cứu các bản tin của BBC về Venezuela trong khoảng thời gian 10 năm.

Họ đã xem xét 304 bài báo và thấy rằng chỉ có 3 trong số đó đề cập đến chính sách tích cực nào đó của chính phủ Venezuela.

Đối với BBC, những thành tích về vấn đề dân chủ, luật nhân quyền, chương trình lương thực, sáng kiến chăm sóc y tế và giảm nghèo của chính phủ Venezuela coi như không diễn ra.

Chương trình xóa mù chữ lớn nhất trong lịch sử nhân loại cũng không được BBC nhắc đến, tương tự, sự kiện hàng triệu người tuần hành ủng hộ Maduro và tưởng nhớ Chavez cũng như chưa từng tồn tại.

Khi được hỏi tại sao chỉ quay một cuộc tuần hành của phe đối lập, nhà báo Orla Guerin của BBC nói rằng "quá khó" để tham gia hai cuộc tuần hành trong cùng một ngày.

Một cuộc chiến đã được tuyên bố ở Venezuela và sự thật là điều "quá khó" để nói ra. Thật quá khó để nói rằng những âm mưu tội phạm của Phố Wall là nguyên nhân chính dẫn đến về sự sụp đổ của giá dầu kể từ năm 2014.

Thật quá khó để gọi việc ngăn chặn Venezuela tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ thống trị là một sự phá hoại. Cũng thật quá khó để gọi "các lệnh trừng phạt" của Washington đối với Venezuela là bất hợp pháp (các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Venezuela thiệt hại ít nhất 6 tỷ USD từ năm 2017), hay gọi việc Ngân hàng Anh từ chối trả lại dự trữ vàng của Venezuela là một hành động cướp bóc.

Nếu CIA đứng đằng sau giúp Guaido và những người ủng hộ ông lên cầm quyền thì đây sẽ là lần thứ 68 Mỹ lật đổ một chính phủ được dân bầu tại một nước có chủ quyền, trong đó hầu hết là các quốc gia dân chủ.

Sau đó, chắc chắn các tài sản và tài nguyên khoáng sản của Venezuela sẽ bị bán tống bán tháo, và nguồn dấu mỏ của đất nước này sẽ bị lấy trộm.

Trên thực tế, dưới thời chính phủ cuối cùng do Washington kiểm soát ở Caracas, tỷ lệ nghèo đói của Venezuela ở mức rất cao. Khi đó, Venezuela hoàn toàn không có chăm sóc sức khỏe cho những người không thể trả tiền và tất nhiên là không hề tồn tại một nền giáo dục phổ quát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục