Cuộc chiến giữa công ty truyền thông Australia và những gã khổng lồ

Các tờ ABC, Dailynews và SBS có bài phân tích, bình luận về việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử giữa các công ty truyền thông nội địa Australia và các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Cuộc chiến giữa công ty truyền thông Australia và những gã khổng lồ ảnh 1Biểu tượng Google. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không quá ngạc nhiên khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã trở thành một trong những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên trang mạng Google toàn cầu vào những tuần gần đây.

Trong số đó, lượng truy cập chủ yếu rơi vào các bài báo, những mẩu tin theo xu hướng từ các công ty truyền thông nổi tiếng. Điều gì sẽ xảy ra nếu độc giả không thể tìm thấy một dòng tin tức nào của các tờ báo lớn, các tạp chí và báo điện tử trong mục tìm kiếm trên dịch vụ của Google? Liệu công chúng có sẵn sàng để tiếp nhận một kết quả như vậy hay không? Và liệu các công cụ tìm kiếm như Google có còn hấp dẫn người dùng trong viễn cảnh đó hay không?

Phóng viên tại Sydney đã tổng hợp những phân tích và bình luận của tờ ABC, Dailynews và SBS về việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử giữa các công ty truyền thông nội địa Australia và các tập đoàn công nghệ khổng lồ.

Một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc

Các tập đoàn kinh doanh tin tức thống trị tại Australia, bao gồm News Corp Australia và Nine Entertainment, đã dành một khoảng thời gian dài để vận động chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison thay đổi mối quan hệ giữa các công ty kinh doanh tin tức truyền thống và công ty công nghệ.

Peter Costello- Chủ tịch tập đoàn Nine Entertainment- cho rằng các tập đoàn công nghệ "về bản chất đang sử dụng sản phẩm do các tổ chức tin tức tạo ra mà không trả phí."

Theo tính toán của ông Costello, Google, Facebook đang khai thác thông tin dựa trên những bài báo và tin tức do các các công ty truyền thông cung cấp.

Ông Costello ước tính các hãng này nên trả cho giới truyền thông Australia khoản tiền 600 triệu AUD, hoặc 10% của 6 tỷ AUD (3,84 tỷ AUD) mà họ kiếm được mỗi năm dựa vào doanh thu quảng cáo tại địa phương.

Michael Miller- ông chủ của Tập đoàn News Corp- cho rằng con số đó thậm chí còn phải cao hơn nữa, có thể lên tới 1 tỷ AUD (600 triệu USD).

[Australia chỉ trích kế hoạch mã hóa đầu cuối của Facebook]

Giữa năm 2019, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đã tiến hành cuộc điều tra về nền tảng kỹ thuật số tại Xứ chuột túi. Dựa trên các kết quả do ACCC thực hiện, tháng 12/2019, chính phủ Australia ban hành quy định yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook và Google sẽ phải làm việc với các cơ quan chức năng quản lý truyền thông và báo chí nước sở tại thông qua một bộ quy tắc ứng xử tự nguyện.

Canberra mong muốn bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập dựa trên sự đàm phán để đạt được một thỏa thuận tự nguyện giữa các bên.

Tuy nhiên, động thái đó không được các công ty công nghệ chào đón. Cả Google và Facebook đều khẳng định đã đầu tư hàng triệu đô la vào các sáng kiến giúp ngành thông tin-truyền thông của Australia tồn tại.

Hai đại gia công nghệ lập luận rằng Internet đã phá vỡ mô hình kinh doanh thông tin truyền thống và các nền tảng trực tuyến thậm chí đã giúp các công ty truyền thông tiếp cận được với nhiều đối tượng hơn và đa dạng hơn.

Do không đạt được thỏa thuận giữa các bên, tháng 4/2020, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg tuyên bố yêu cầu xây dựng một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc, nhằm buộc các công ty công nghệ lớn chia sẻ doanh thu với các công ty truyền thông.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng điều này là rất quan trọng cho khả năng tồn tại trong tương lai của lĩnh vực truyền thông tại Australia. Đây là vấn đề về cạnh tranh và tạo ra một sân chơi bình đẳng.”

ACCC- đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện bộ quy tắc ứng xử nói trên- đang thực hiện bước đi tiếp theo, đó là kêu gọi phản ứng từ chính các công ty truyền thông trong nước, để buộc Google và Facebook phải “ngồi vào bàn đàm phán.”

Hành động của ACCC

Ngày 19/5, ACCC lên tiếng đề nghị các công ty truyền thông Australia "tẩy chay tập thể" Google và Facebook nhằm buộc các "đại gia" công nghệ phải trả tiền cho những thông tin mà họ đăng tải trên các nền tảng trực tuyến.

Đối với khách hàng, một động thái như vậy- nếu thực sự được áp dụng- có thể sẽ gây bất lợi. Nhưng ACCC nhấn mạnh lợi ích thương mại có thể được ưu tiên hơn lợi ích công cộng. Và nó có thể dẫn đến kết quả là ít tin tức xuất hiện hơn trên các dịch vụ của Google và Facebook.

Ý tưởng này nằm trong một loạt biện pháp được ACCC thúc đẩy nhằm yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền, coi đây là quy tắc ứng xử bắt buộc mà các hãng trên phải thực thi.

Các cơ chế khác được ACCC đưa ra bao gồm việc đàm phán song phương giữa các tổ chức truyền thông của Australia với Google và Facebook cũng như các cuộc thương lượng chung đối với toàn bộ các công ty truyền thông của nước này.

Theo ACCC, các đại gia công nghệ nên thống nhất một thỏa thuận trả tiền cho nội dung thông tin của các công ty truyền thông được sử dụng trên trang dịch vụ nền tảng trực tuyến hoặc chấp nhận chi một khoản phí cố định để được cấp giấy phép sử dụng tin tức chung. Phương thức trả phí cố định dường như là điều mà các công ty truyền thông Australia ưa thích.

Nhưng vấn đề tiếp theo đó là khoản tiền phí này sẽ là bao nhiêu và liệu số tiền này có đủ để giúp các công ty truyền thông đứng vững trong bối cảnh doanh thu ngày càng yếu đi và hoạt động kinh tế bị ngừng trệ do đại dịch hay không.

Lĩnh vực truyền thông của Australia

Trong 10 năm qua, khi các đại gia công nghệ ngày càng “bành trướng” và thu hút sự chú ý của người dùng thì các công ty truyền thông, những tờ báo lớn đã từng “thống trị” thị trường tin tức tại Australia lại càng bị “thu hẹp.”

Từ năm 2008 đến năm 2018, tổng cộng đã có 106 tờ báo của Xứ chuột túi bị đóng cửa. Đại dịch COVID-19 xuất hiện tiếp tục “nhấn chìm” hơn nữa hoạt động kinh doanh của ngành truyền thông Australia.

Hồi tháng trước, News Corp, tập đoàn truyền thông sở hữu hàng chục đầu báo lớn, nhỏ, đã phải tuyên bố đình bản các ấn phẩm in của 60 tờ báo địa phương trực thuộc.

Cuộc điều tra về nền tảng kỹ thuật số của ACCC cho thấy chi phí dành cho quảng cáo tại Australia tăng đều hàng năm theo mức tăng dân số, trong khi đó doanh thu của các lĩnh vực phát thanh, truyền hình, in ấn, quảng cáo ngoài trời… lại giảm dần kể từ năm 2007.

Tính riêng năm 2018, hơn một nửa khoản chi phí quảng cáo tại Australia, trị giá 16 tỷ AUD (10,24 tỷ USD), rơi vào túi của Google, Facebook và các trang rao vặt trực tuyến.

Mặc dù ACCC có quyền cưỡng chế để tra soát các khoản doanh thu kiếm được dựa trên nội dung tin tức mà Google và Facebook sử dụng, nhưng cơ quan này đã không công bố bất kỳ một thông tin nào liên quan tới các số liệu nói trên.

Chủ tịch của ACCC Rod Sims cho biết COVID-19 có thể sẽ khiến khung thời gian ban hành và thực hiện bộ quy tắc ứng xử bị hoãn lại. Điều đó có nghĩa là các công ty truyền thông của Australia vẫn phải tiếp tục chờ đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục