Cuộc chiến thông tin 'dưới đáy đại dương' của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ đang gia tăng áp lực mạnh mẽ để loại Trung Quốc ra khỏi mạng lưới hạ tầng thông tin-truyền thông chủ chốt của thế giới. Phía Trung Quốc lúc này vẫn tỏ ra không hề nao núng.
Cuộc chiến thông tin 'dưới đáy đại dương' của Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Tờ Nikkei ngày 23/5 đăng tải bài viết với tiêu đề “Huawei và Nhật - Mỹ-Âu, cuộc chiến bá chủ thông tin dưới đáy biển.”

Bài viết có nội dung như sau:

Mỹ đang gia tăng áp lực mạnh mẽ để loại Trung Quốc ra khỏi mạng lưới hạ tầng thông tin-truyền thông chủ chốt của thế giới. Phía Trung Quốc lúc này vẫn tỏ ra không hề nao núng.

Hiện tại 99% thông tin, dữ liệu được truyền tải đi trên thế giới được thực hiện thông qua đường cáp quang ngầm lắp đặt dưới đáy biển, trong khi dữ liệu được truyền qua đường vệ tinh chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1%.

Những thông tin giao dịch tiền tệ, thư điện tử của các tổ chức, cá nhân giữa khu vực châu Mỹ với châu Á, châu Âu và châu Phi đang được truyền đi bằng đường cáp dưới đáy biển, và không quá lời khi nói rằng quốc gia nào chi phối mạng lưới thông tin dưới đáy biển sẽ thống trị việc phân phối dữ liệu toàn cầu.

[Trung Quốc siết quy định mua sản phẩm công nghệ thông tin nước ngoài]

Trên thế giới hiện đang có khoảng 400 đường cáp dữ liệu chính được lắp đặt dưới đáy biển.

Mỗi quốc gia cũng lắp đặt các đường cáp riêng để truyền những thông tin bí mật trong lĩnh vực quân sự.

Các chuyên gia an ninh của Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đưa ra những cảnh báo về việc Trung Quốc xâm nhập vào mạng lưới thông tin dưới đáy biển và mở rộng ảnh hưởng.

Đối phó với vấn đề này, một số quốc gia đang xem xét lại chính sách về việc thu thập thông tin dưới mặt nước.

Phân tích từ những nguồn tin chưa được công khai thì Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang có ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, điều này không phải đã an toàn.

Hiện tại, TE Subcom của Mỹ là doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất thế giới về lắp đặt mạng lưới cáp thông tin dưới đáy biển.

Tiếp theo lần lượt là NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của châu Âu. Tổng hợp thị phần của 3 doanh nghiệp này đang chiếm tới 90% thế giới.

Mỹ - quốc gia cùng với các đồng minh đang giữ thế độc quyền trong lĩnh vực này, đang nhắm tới đối thủ là Huawei - hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.

Huawei nhận ra “lỗ hổng” của mình nên 10 năm trước, hãng đã liên doanh với một doanh nghiệp Anh để tham gia triển khai hệ thống cáp thông tin dưới đáy biển, liên doanh này hiện vẫn đang hoạt động tích cực.

Tháng 9/2018, những thông tin của Huawei trong lĩnh vực cáp biển đã được truyền tải rộng rãi trong giới doanh nghiệp cùng lĩnh vực của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Huawei đã hoàn thành một đường cáp thông tin dưới đáy biển dài 6.000km kết nối Nam Mỹ với châu Phi.

Thành công trong dự án cáp biển xuyên đại dương đầu tiên của Huawei là minh chứng cho việc dù chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, song hãng đang dần bắt kịp với công nghệ của các nước này.

Huawei đang triển khai mới khoảng 30 hệ thống cáp thông tin dưới đáy biển.

Hãng cũng có khoảng 60 công trình nâng cấp nhằm tăng công suất truyền tải tại các hệ thống cáp hiện có.

Mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2020, Huawei sẽ hoàn thành 20 hệ thống cáp thông tin dưới đáy biển mới.

Tuy nhiên, quá nửa trong số đó là các hệ thống cáp ngắn, và nếu tất cả được hoàn thành, thì thị phần của hãng cũng chỉ chiếm gần 1% toàn cầu.

Mặc dù vậy, nếu xét trong trung hạn, Huawei sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Có ba lý do giải thích cho điều này:

Đầu tiên, dù Huawei chỉ tham gia vào lĩnh vực cáp thông tin dưới đáy biển được khoảng 10 năm, song hãng đã có thể lắp đặt được các tuyến cáp thông tin dưới đáy biển dài, xuyên lục địa – lĩnh vực mà Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang độc quyền.

Tuyến cáp nối Nam Mỹ với châu Phi đang tiếp tục được mở rộng để nối với các tuyến đang xây dựng là Pakistan-Kenya, Djibouti-Pháp, dự kiến hoàn thành vào mùa Xuân 2020.

Thứ hai, Huawei đang nắm giữ công nghệ cao của hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin trên mặt đất. Vì vậy, nếu kết nối được đường cáp dưới đáy biển và các thiết bị truyền tải thông tin trên mặt đất, sức mạnh của hãng sẽ gia tăng nhanh chóng.

Thứ 3, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hạ tầng kỹ thuật số trên thế giới với chủ thầu là các công ty của nước này.

Dù sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với những hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực này chưa rõ ràng, song Huawei có thể đạt được vị trí dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh về giá với các đối thủ đến từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Vậy trong bối cảnh trên, Mỹ và các nước châu Á phải làm gì? 

Trong những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, việc loại trừ hoàn toàn các doanh nghiệp Trung Quốc là khó, bởi lượng dữ liệu thông tin toàn cầu đang tăng lên rất nhanh, châu Á-Thái Bình Dương - khu vực có nhu cầu rất lớn đối với hệ thống cáp thông tin dưới đáy biển, sẽ không chỉ phụ thuộc vào Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Điều quan trọng là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu phải liên kết để xây dựng một tuyến đường “thông tin trung tâm” - nơi truyền tải những thông tin quan trọng, công nghệ cao và an ninh.

Tuyến cáp này đặt dưới đáy biển bao quanh Mỹ với các nước đồng minh là châu Âu, Nhật Bản, Australia.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ không cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các tuyến cáp thông tin hướng tới những quốc gia này.

Tuy nhiên, nếu tuyến Djibouti - Pháp hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể lần đầu tiên xâm nhập vào “tuyến thông tin trung tâm” trên.

Một cách làm nhanh chóng khác là áp dụng triệt để chính sách an toàn thông tin tại các trạm tiếp sóng trên mặt đất.

Theo các chuyên gia, cáp thông tin dưới đáy biển là loại cáp quang, vì vậy việc trích xuất thông tin trên đường truyền là rất khó.

Tuy nhiên, nếu xâm nhập từ các trạm đầu cuối trên mặt đất sẽ có thể lấy được một dữ liệu rất lớn.

Thay vì đẩy trách nhiệm cho các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ có lẽ cần phải can thiệp để đảm bảo an toàn, bởi trong trường hợp bất đắc dĩ, khi trạm tiếp sóng trên mặt đất (trạm đầu cuối) bị khủng bố phá hủy, các thông tin như giao dịch thương mại, ngoại giao, xã hội,… sẽ bị gián đoạn. Đây là vấn đề rất nguy hiểm.

Cuộc chiến thống trị hệ thống cáp thông tin dưới đáy biển đã có từ lâu. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, vấn đề làm thế nào để phân chia đường cáp thông tin dưới đáy biển của phátxít Đức đã trở thành vấn đề tranh cãi nóng bỏng giữa các quốc gia giành chiến thắng.

Nhật Bản đã có một tuyến cáp từ đảo Yap ở phía Tây Thái Bình Dương đến Thượng Hải và thiết lập một vị trí quan trọng trong mạng lưới thông tin quốc tế.

Hiện nay, cuộc chiến giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ trên đất liền và vũ trụ, mà sẽ diễn ra cả trong lòng đại dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục