'Cuộc chơi đi tìm người chịu thiệt’ và lời xin lỗi muộn của Viwasupco

Trước khi lời xin lỗi muộn màng được đưa ra, Viwasupco đã từng khăng khăng khẳng định mình mới là đơn vị chịu thiệt hại nhiều nhất sau sự cố sông Đà...
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi sự cố 17 ngày bất chấp việc người dân Hà Nội khốn khổ vì nước sạch như thế này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phải mất đúng 17 ngày sau sự cố nước nhiễm bẩn, Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có đủ thời gian và cả “can đảm” để xin lỗi người dân phía Tây Nam Hà Nội vì đã cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng. Trong suốt khoảng thời gian này, Hà Nội đã… kịp trải qua cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có tiền lệ. 

Theo đó, sự cố đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước sạch sông Đà diễn ra vào đêm 8/10 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chỉ hơn 1 ngày sau, cách đó 45km, hàng vạn người dân sinh sống phía Tây Nam Hà Nội đã bắt đầu phải dùng nước sông Đà kèm theo “gói khuyến mại” là… mùi lạ khét lẹt.

Hậu quả tiếp tục lan rộng khi các cơ quan chức năng xác định hàm lượng styren-một hợp chất nguy hiểm trong nước sông Đà đang vượt quá ngưỡng cho phép. Tại thời điểm đó, cơ quan hữu trách phải đưa ra khuyến cáo người dân không được dùng nước do Viwasupco cung cấp để ăn uống.

Ai là nạn nhân lớn nhất? (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để khắc phục, hàng chục xe stec đã chạy xuyên đêm nhằm cấp nước an toàn cho nhiều quận, huyện chịu ảnh hưởng tại Hà Nội. Người dân đủ lứa tuổi phải gồng gánh xô chậu, chai lọ hứng từng chút nước mang về sử dụng.

[Làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco]

Bất chấp thực tế ấy, những người đứng dầu Viwasupco vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi và cho rằng mình mới là nạn nhân lớn nhất sau sự cố.

Cụ thể, tại cuộc họp báo được tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình 9 ngày sau khi sự cố được phát hiện, ông Bùi Đăng Khoa (Phó giám đốc Viwasupco) cho rằng: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất và rất mong trong thời gian tới công an sớm tìm ra thủ phạm.”

Ba ngày trước đó, phát ngôn tương tự cũng được ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng giám đốc Viwasupco) đưa ra tại buổi họp của Thành ủy Hà Nội. “Công ty sẽ họp lại với nhau để xem xét rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng là nạn nhân của sự việc,” ông Tốn nói.

“Tiết kiệm lời xin lỗi.” Đó là đánh giá của rất nhiều người về thái độ ứng xử kỳ lạ từ lãnh đạo Viwasupco trong sự việc lần này. Trong mối quan hệ giữa một bên cung cấp và người bỏ tiền thụ hưởng dịch vụ, cách “tiết kiệm” nói trên đã thể hiện sự coi thường khách hàng theo cách khó có thể chấp nhận.

Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất? (Video: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Anh Phùng Chiến (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Họ luôn nói là nạn nhân lớn nhất trong khi ngày đêm chúng tôi phải gò lưng cõng nước về nhà. Đấy là chưa kể đến khoảng thời gian 3 ngày, hàng vạn người đã ăn, uống sinh hoạt với thứ nước nhiễm dầu mà họ cung cấp bất chấp việc đã phát hiện sự cố từ trước. Thời gian, sức khỏe, tinh thần của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi họ lại thờ ơ, dửng dưng như vậy.”

Sau rất nhiều thời gian để đi tìm “Ai là người chịu thiệt,” cuối cùng, sáng 25/10, Viwasupco mới đủ thời gian để xác định: "Là một doanh nghiệp, chúng tôi ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất.”

Kèm theo đó, đơn vị này "thông qua các cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân lời xin lỗi" và không quên "cầu mong được lượng thứ." Viwasupco cũng "xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với 1 tháng tiền nước."

“Đừng tính toán thiệt hơn khi hàng vạn khách hàng trả tiền mua sản phẩm của Viwasupco như chúng tôi đã quay cuồng vì... khát. Lời xin lỗi này đã quá muộn màng,” anh Chiến kết luận.

Thực tế cho thấy sự cố sông Đà không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có tiền lệ tại Hà Nội mà nó còn kéo theo cuộc khủng hoảng niềm tin với chính Viwasupco.

Và có lẽ, câu chuyện về sự cố sông Đà vẫn chưa khép lại…/.

Đừng bỏ quên trách nhiệm cá nhân

Tại thông cáo báo chí phát đi sáng 25/10, phía Viwasupco không hề nhắc tới trách nhiệm của bất cứ cá nhân nào khi để nước sông Đà nhiễm bẩn. Trong khi trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị đơn vị này phải yêu cầu kíp trực ngày 9/10 – thời điểm sự cố được phát hiện có báo cáo giải trình.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Viwasupco trong sự cố dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục