Cước di động của VNPT sẽ giảm từ 10 đến 20%

Tập đoàn VNPT vừa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép giảm cước dịch vụ điện thoại di động của tập đoàn này từ 10-20%.
Ngày 5/7, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết VNPT vừa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép giảm cước dịch vụ điện thoại di động từ 10-20%, theo như phương án VNPT đã đề nghị từ đầu năm 2010.

VNPT hiện là chủ quản của hai mạng di động Vinaphone và MobiFone, với tổng số thuê bao trên mạng vào khoảng hơn 60 triệu thuê bao di động. Việc giảm cước di động là phù hợp với định hướng công tác quản lý giá cước viễn thông năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự chờ đợi của đông đảo người sử dụng dịch vụ.

Theo định hướng này, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án giá cước dựa theo nguyên tắc chung là giá cước dịch vụ hợp lý với người sử dụng; phù hợp với giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Từ đầu năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phép giảm cước kết nối đối với dịch vụ thông tin di động từ 10-15%. Theo đó, các cuộc gọi từ ba mạng di động đang khống chế thị phần là Vinaphone, MobiFone và Viettel, khi kết nối trực tiếp đến các mạng di động khác, mạng di động khống chế thị phần sẽ phải trả cho mạng di động khác mức cước giảm khoảng 10-15% so với trước đây. Đây là điều kiện giúp các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế tiết kiệm được chi phí, tạo tiền đề cho việc giảm cước di động tiếp sau đó.

Cũng theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cần căn cứ trên giá thành dịch vụ, cung cầu trên thị trường và mức giá cước bình quân trong khu vực và trên thế giới để giảm giá cước dịch vụ di động phù hợp với mức giảm giá cước kết nối này.

Theo giới chuyên môn, việc các mạng di động cạnh tranh nhau bằng giá cước sẽ tốt hơn cạnh tranh bằng khuyến mãi. Bởi khi doanh nghiệp giảm cước thì tất cả các thuê bao đều được hưởng lợi trong thời gian lâu dài. Còn với khuyến mãi, chỉ một nhóm khách hàng được lợi và trong một khoảng thời gian nhất định. Ở tầm vĩ mô, giảm cước là góp phần giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục