Cuộc đua bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra quyết liệt

Theo kết quả thăm dò mới, ông Sarkozy ngang bằng số phiếu với ông Hollande trong vòng một với tỷ lệ cử tri dự định bỏ phiếu là 28%.
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012 đang trở nên hấp dẫn và kịch tính giữa hai ứng cử viên được kỳ vọng đứng đầu là Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), và ứng cử viên Francois Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS).

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới công bố tối 14/3 do Viện CSA thực hiện cho đài truyền hình BFMTV, đài truyền thanh RMC và tờ báo 20 minutes, cho thấy ông Sarkozy ngang bằng số phiếu với ông Hollande trong vòng một với tỷ lệ cử tri dự định bỏ phiếu là 28%.

Ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen ổn định ở mức 16% ý định bỏ phiếu, ứng cử viên Phong trào Dân chủ (MoDem) Francois Bayrou có tỷ lệ 13% và ứng cử viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon có tỷ lệ 11%.

Kết quả thăm dò dư luận của Viện CSA cũng cho thấy trong vòng hai, ông Hollande tiếp tục chiếm ưu thế, với thắng lợi cách biệt trước ông Sarkozy theo tỷ lệ lần lượt là 54% và 46%.

Trong ngày 14/3, ứng cử viên Hollande đã tổ chức cuộc míttinh quan trọng tại thành phố cảng Marseille (nơi được xem có nhiều lượng cử tri ủng hộ ông Sarkozy) trước hàng nghìn người ủng hộ, với những cam kết trong trường hợp thắng cử sẽ đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, giới cử tri nhập cư và ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Còn ông Sarkozy đã có cuộc gặp với các nghị sỹ UMP và kêu gọi họ tăng cường tiếp xúc với cử tri nhằm tăng tốc, tìm kiếm sự ủng hộ trên thực địa.

Cùng ngày 14/3, ông Sarkozy đã tham dự lễ khánh thành bia tưởng niệm các binh sỹ Hồi giáo của Pháp đã thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 tại thánh đường Hồi giáo Paris. Đây được xem là hành động nhằm làm dịu bớt những căng thẳng giữa chính quyền với cộng đồng Hồi giáo ở Pháp sau những tranh cãi xung quanh sản phẩm Halal liên quan đến loại thịt được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo hay những tranh luận về các nền văn minh.

Trước thời điểm chiến dịch tranh cử giữa các ứng cử viên chính thức bắt đầu, hơn bao giờ hết, cuộc đua của giới truyền thông với kết quả của các cuộc thăm dò dư luận liên tiếp được công bố, cho thấy tính chất, mức độ kịch tính của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012.

Êkíp tranh cử của ông Sarkozy đang tìm mọi cách, trong đó sử dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet và các mạng xã hội như Twitter, để đẩy nhanh việc tiếp xúc, kêu gọi sự ủng hộ của giới cử tri ưa thích công nghệ, đặc biệt tầng lớp trẻ.

Trong cuộc gặp tại Paris ngày 14/3 với chủ tịch, đồng sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey, ông Sarkozy đã đồng ý về sáng kiến tổ chức một cuộc míttinh trực tuyến trên mạng Twitter.

Trong cuộc đua tranh, êkíp tranh cử của ông Hollande cũng đang sử dụng các chuyên gia công nghệ, tận dụng lợi thế của các mạng xã hội như Twitter, Facebook, để thu hút cử tri. Đến nay, số lượng thuê bao từ hai mạng xã hội này ủng hộ ông Hollande rất cao, lần lượt là 195.000 và 72.000 người. Chi phí cho việc sử dụng con người và phương tiện công nghệ trên mạng Internet phục vụ tranh cử của ông Hollande dự kiến chiếm 10% tổng kinh phí tranh cử, khoảng 2 triệu euro.

Song song với cuộc đua chính giữa hai ứng cử viên hàng đầu, cuộc đua của các ứng cử viên còn lại, tìm kiếm đủ 500 chữ ký ủng hộ của các chính khách, quan chức chính quyền ở Pháp để trở thành ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã đến hồi quyết liệt trước hạn chót nộp danh sách chữ ký ủng hộ tại Hội đồng Hiến pháp ngày 16/3.

Theo lịch trình bầu cử, chiến dịch tranh cử chính thức giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu từ ngày 9/4 và kết thúc ngày 20/4. Bầu cử vòng một diễn ra ngày 22/4 và vòng hai vào ngày 6/5./.

Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục