Cuộc đua lãi suất huy động bao giờ mới kết thúc?

Âm thầm lặng lẽ nhưng cuộc đua lãi suất huy động vốn đang ngày càng quyết liệt. Và dù kêu khó, nhưng các ngân hàng vẫn công bố lợi nhuận quý I ở mức “khủng.”

Giới chuyên gia đã không ngần ngại bày tỏ lo ngại hiện tượng "bong bóng" lãi suất. Không sớm chấm dứt, cuộc đua này sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Điều tối cần thiết lúc này được cho là cắt giảm chi phí và chia sẻ lợi nhuận giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Nguồn vốn đang căng như dây đàn tại các ngân hàng. Vào thời điểm này, nhiều ngân hàng phải huy động nhân viên của mình tận dụng mọi quan hệ để huy động nguồn tiền, thậm chí qua trung gian giới thiệu.

Và vì thiếu vốn, lãi suất huy động tiếp tục được đẩy lên cao.

Thực tế này làm nảy sinh thắc mắc, trong bối cảnh dư nợ cho vay bị thắt chặt, nhu cầu vay tiền rất thấp thì tại sao các ngân hàng vẫn đua nhau huy động vốn, đẩy lãi suất tiết kiệm lên tới 19-20%/năm?

Nguyên nhân nào?


Âm thầm lặng lẽ nhưng cuộc đua lãi suất tiết kiệm tiền đồng đang mỗi ngày quyết liệt hơn. Điều đáng nói là cuộc đua lần này có sự góp mặt của cả ngân hàng nhỏ và các ngân hàng lớn, ngân hàng mới thành lập đến những ngân hàng đã có uy tín hoạt động nhiều năm.

Một số nhân viên ngân hàng cho hay dù lãi suất huy động thỏa thuận liên tục được đẩy lên nhưng vẫn không giữ nổi "chân" khách hàng. Và cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động thỏa thuận lên tới 19,5%, thậm chí là 20%/năm.

Không chỉ cán bộ tín dụng chật vật với các cuộc "thỏa thuận," mà người có tiền gửi cũng không khỏi lo lắng. Người sắp có tiền chưa biết đầu tư vào đâu cũng không thực sự muốn gửi ngân hàng, dù lãi suất huy động và cho vay đều đã phá đỉnh của năm 2008.

Các chuyên gia kinh tế đã không  ngần ngại đề cập đến lo ngại "bong bóng" lãi suất.

Giới chuyên gia cũng phân tích rằng việc Ngân hàng Nhà nước không chế trần lãi suất huy động 14%/năm đối với tất cả các tổ chức tín dụng không phân biệt lớn bé, vô hình chung đã đẩy các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ vào thế khó. Rõ ràng, khi mất công cụ lãi suất, các nhà băng này khó có thể cạnh tranh nổi với các ngân hàng lớn trong việc huy động vốn do yếu thế về thương hiệu, mạng lưới.

Việc tìm vốn trên thị trường liên ngân hàng càng khó khăn hơn khi các "ông anh" tỏ ra không hề thông cảm mà còn khá thẳng tay “chém đẹp” đàn em.

Bất đắc dĩ để tồn tại, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ phải tìm mọi cách huy động vốn từ dân cư, kể cả lách luật bằng cách khuyến mãi, thưởng lãi suất, thậm chí còn biến tướng thành các hình thức ủy thác đầu tư, hoặc tự phạt lãi suất…

Và vì lợi ích, khách hàng dịch chuyển tiền gửi đến những nơi trả lãi suất cao. Các ngân hàng thương mại lớn không thể ngồi yên nhìn đồng vốn ra đi. Lãi suất huy động vì thế bị tiếp tục đẩy lên cao.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt, cho rằng: “Một ngân hàng mất thanh khoản, họ sẽ tung ra thông tin huy động lãi suất rất cao. Thời đại thông tin nhạy bén, các khách hàng của ngân hàng khác rục rịch rút vốn sang, các ngân hàng lớn chỉ chịu được một thời gian rất ngắn, sau đó, họ phải giữ khách lại. Họ phải nâng theo, làm cả hệ thống lên một mặt bằng mới."

Cần chấm dứt cuộc đua


Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, không thể bàn chuyện kéo giảm lạm phát.

Ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, khi lạm phát còn cao, lãi suất chưa thể giảm xuống được. Hiện lãi suất đã quá cao, không thể tăng nữa nhưng phải duy trì ở mức đó. Bởi thực tế, ngân hàng vẫn phải giữ mức lãi suất thực dương 1% so với chỉ số lạm phát. Nếu trong tháng 5, chỉ số lạm phát giảm thì mới có thể tính được lạm phát cả năm để điều chỉnh lãi suất.

Trước tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng trần lãi suất huy động 14% không còn phát huy tác dụng. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng vừa đề xuất bỏ mức trần này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trần lãi suất 14% một năm hiện nay quá thấp so với lạm phát kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng tính đến cuối tháng 4 đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để lãi suất thực dương, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền 17-18%. Trên thực tế, từ lâu các ngân hàng đã vay mượn của nhau trên mức trần, có lúc tới 22-23% một năm.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến khác cho rằng để cuộc đua lãi suất huy động hạ nhiệt nên áp trần lãi suất cho vay. Khi các ngân hàng thương mại không thể cho vay ra được lãi suất cao thì sẽ tự động hạ lãi suất huy động xuống thấp.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc làm này chỉ có hiệu quả khi Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường. Bên cạnh đó, quy định chặt trần lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu cho phù hợp cũng là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, trần cho vay là 18%, với chênh lệch lãi biên hiện nay tối thiểu phải là 3% thì các ngân hàng mới có lãi, lúc đó các ngân hàng chỉ có thể huy động mức tối đa là 15%. Thế nhưng liệu mức lãi suất này đã đủ sức hấp dẫn để hút tiền vào ngân hàng?!

Ngân hàng nên chia sẻ với doanh nghiệp

Lãi suất huy động cao tất yếu lãi suất cho vay khó có thể giảm thấp. Hiện cho vay trên thị trường từ 22-24%. Mức lãi suất cho vay cao ngất đang là gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ dám duy trì sản xuất, không thể mở rộng. Doanh nghiệp nào chấp nhận vay cao chỉ là để “nhảy dù” với những dự án có tỷ suất sinh lời cao hoặc “đâm lao thì phải theo lao”.

Theo ông Nghĩa, nếu điều hành nới lỏng và thắt chặt một cách đồng đều thì thị  trường không khó khăn như hiện nay. Thực tế cho thấy lãi suất năm nay còn cao hơn cả năm 2008 và cao nhất trong vài chục năm trở lại đây. Lãi suất cao khiến dòng vốn có xu hướng chảy nhiều vào khu vực phi sản xuất, còn doanh nghiệp thì thực sự e ngại không thể sản xuất kinh doanh được với mức lãi suất 22%-25%/năm.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, vào thời điểm khó khăn này, ngân hàng nên chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp. “Trước kia được 10 đồng lãi thì bây giờ chỉ nên lấy 3-5 đồng thôi,” bà Mùi nói.

Những số liệu lợi nhuận quý I ở mức “khủng” mà các ngân hàng vừa công bố thực sự đã gây “sốc”. Bà Mùi thẳng thắn: “Cắt giảm chi phí và chia sẻ lợi nhuận là điều tối cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các ngân hàng nên hạ tỷ suất lợi nhuận xuống.”/.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục