Cuộc đua vào chức Thị trưởng Paris đang hết sức gay cấn

Cuộc đua vào chức Thị trưởng Paris đang hết sức gay cấn với tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa hai ứng cử viên Anne Hidalgo và Nathalie Kosciusko-Morizet.
Cuộc đua vào chức Thị trưởng Paris đang hết sức gay cấn ảnh 1Hai ứng cử viên vào chức Thị trưởng Paris là Anne Hidalgo (trái) và Nathalie Kosciusko-Morizet (phải) có tỷ lệ ủng hộ bám đuổi nhau sít sao. (Nguồn: PX Paris)

Kỳ bầu cử Hội đồng thành phố nhằm bầu ra các Thị trưởng tại các thành phố trên toàn nước Pháp, trong đó có thủ đô Paris, sẽ diễn ra vào các ngày 23 và 30/3 sắp tới.

Các chiến dịch tranh cử được khởi động từ nhiều tháng nay chủ yếu giữa các ứng cử viên của đảng Xã hội cầm quyền (PS) và đảng đối lập Vì Phong trào nhân dân (UMP) đang bước vào giai đoạn cuối với rất nhiều các cuộc gặp gỡ, hội họp, ra mắt ủy ban ủng hộ nhằm tập hợp lực lượng và tranh thủ lá phiếu cử tri.

Diễn ra vào thời điểm khi chỉ số tín nhiệm của Tổng thống François Hollande ngày càng giảm sút, áp lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp đang đè nặng lên bộ máy điều hành của đảng PS, kỳ bầu cử Hội đồng thành phố đang trở thành cơ hội lớn để đảng UMP tính đến việc "phục thù" sau các thất bại liên tiếp trước đảng PS tại các cuộc bầu cử Hội đồng thành phố năm 2008, Hội đồng vùng năm 2010, bầu cử chính quyền địa phương năm 2011, bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm 2012.

Cánh hữu đang được hưởng lợi do người dân Pháp ngày càng quan tâm đến những vấn đề thiết thân như việc làm, thuế khóa, đấu tranh chống tội phạm, vấn đề nhà ở… Chính vì vậy, đảng UMP đang hy vọng và tìm mọi cách để có thể chiến thắng tại nhiều thành phố, đặc biệt là là các thành phố lớn như Paris, Lyon và Marseille.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, hai đảng lớn trên sân khấu chính trị nước Pháp là PS và UMP đã thiết lập các liên minh để đảm bảo thắng lợi cao nhất tại các quận ở thủ đô, nơi cuộc bầu cử có tính chất quyết định. Liên minh cánh tả gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản và đảng Cánh tả cấp tiến lập danh sách các ứng cử viên do Anne Hidalgo, Phó Thị trưởng Paris đương nhiệm (đảng PS) đứng đầu.

Cánh hữu gồm các đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP), Liên minh những người dân chủ và độc lập (UDI) và Phong trào Dân chủ (MoDEM) lập danh sách do Nathalie Kosciusko-Morizet, nguyên Bộ trưởng Sinh thái và Phát triển bền vững dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy (đảng UMP) đứng đầu.

Hiện tại, cuộc đua vào chức Thị trưởng Paris đang hết sức gay cấn với tỷ lệ ủng hộ sít sao giữa hai ứng cử viên Anne Hidalgo và Nathalie Kosciusko-Morizet. Nếu cách đây một tháng, tỷ lệ ủng hộ theo các cuộc thăm dò cho thấy lợi thế dẫn trước khá xa của ứng cử viên Anne Hidalgo thì vào thời điểm chỉ còn hơn 10 tuần nữa là sẽ diễn ra các cuộc bầu cử, các ứng của viên bám đuổi nhau một cách sít sao.

Kết quả cuộc thăm dò do Viện CSA tiến hành cùng với đài truyền hình BFMTV và công ty viễn thông Orange công bố ngày 9/1 cho thấy khó có thể đưa ra những dự báo, bởi vì ứng cử viên Nathalie Kosciusko-Morizet đang dẫn trước 1 điểm so với Anne Hidalgo (39% so với 38%), tuy nhiên Anne Hidalgo sẽ chiến thắng trong vòng hai với 51,5% số phiếu trong khi Nathalie Kosciusko-Morizet sẽ chỉ được 48,5% số phiếu.

Nếu cánh tả phải tranh cử trong bối cảnh chính trị trong nước bất lợi thì cánh hữu phải đối mặt với tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết và một hệ thống bầu cử gián tiếp trong đó người được bầu là Thị trưởng Paris chưa hẳn đã là người có nhiều phiếu hơn do việc phân bổ số ghế ủy viên Hội đồng thành phố cho các quận được tính theo tỷ lệ dân số của quận đó.

Thực tế cho thấy, Bertrand Delanoë, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai của mình vào tháng 3 sắp tới đã được bầu là Thị trưởng Paris vào năm 2001 chỉ với tổng số phiếu là 49,6% trên toàn thành phố Paris.

Như vậy, muốn nắm giữ được chức thị trưởng, các đảng buộc phải tranh giành ghế ủy viên tại các cuộc bầu cử cấp quận. Quận 15 là quận đông dân nhất sẽ được 18 ghế ủy viên, quận ít dân nhất là quận 1 sẽ chỉ có một ghế. Hội đồng thành phố gồm những người trúng cử tại Hội đồng 20 quận của Paris sẽ bầu ra Thị trưởng Paris vào ngày 6/4.

Theo giới quan sát, cánh hữu rất khó để chiến thắng ở khu vực thủ đô vì quy định bầu cử hiện hành đang tạo lợi thế cho cánh tả khi các lực lượng này chiếm đa số tại các quận đông dân. Bên cạnh đó, nếu cánh hữu tiếp tục chia rẽ với việc có nhiều ứng cử viên đưa ra nhiều danh sách liên danh tại cùng một khu vực bầu cử như hiện nay thì ngay cả khi cánh hữu có được tổng số phiếu cao hơn cánh tả thì cánh tả vẫn chiến thắng tại khu vực bầu cử đó.

Sự quan ngại lớn nhất hiện nay của cánh tả là số cử tri vắng mặt, chính vì vậy, cánh tả đang ráo riết vận động người dân đi bầu. Theo các cuộc thăm dò do Viện IFOP tiến hành vào tháng 12/2013, 35% cử tri Pháp có thể sẽ vắng mặt vào các ngày bầu cử 23 và 30/3. Khoảng 41% những người có cảm tình với cánh tả sẽ không đi bỏ phiếu trong khi tỷ lệ này là 29% đối với cánh hữu và 22% đối với đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN).

Tỷ lệ cử tri vắng mặt cao phản ánh sự mất niềm tin ngày càng tăng của người dân đối với các đảng phái chính trị ở Pháp và bộ máy điều hành ở cấp trung ương cũng như ở địa phương. Tuy cuộc bầu cử Hội đồng thành phố không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Chính phủ, nhưng nếu cánh tả tiếp tục nắm được chính quyền ở cấp cơ sở thì họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai các chính sách và chương trình hành động của mình. Đây cũng là sự chuẩn bị dài hạn cho các cuộc bầu cử quan trọng trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục