Cựu nhân viên CIA bị Mỹ truy lùng ở lại Hong Kong

Cựu nhân viên CIA bị Mỹ truy lùng sẽ ở lại Hong Kong

Edward Snowden, kẻ tiết lộ về các chương trình giám sát tối mật của Mỹ, tuyên bố sẽ ở lại Hong Kong thay vì xin tị nạn tại nước thứ ba.
Ngày 12/6, các luật sư Hong Kong cho biết Edward Snowden, công dân Mỹ tiết lộ chi tiết về các chương trình giám sát tối mật của Mỹ, về mặt pháp lý có thể tự do rời khỏi Đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này bất cứ lúc nào, song cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) này tuyên bố sẽ ở lại.

Trả lời phỏng vấn tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng", báo tiếng Anh chính của Hong Kong, cựu nhân viên Snowden cho biết: "Ý định của tôi là đề nghị các tòa án và người dân Hong Kong quyết định số phận của mình. Tôi không ở đây để trốn tránh công lý; tôi ở đây để tiết lộ về tội phạm".

[Vụ Snowden và lỗ hổng thông tin mật của Mỹ]

Theo báo trên, nơi ở của Snowden hiện vẫn là một bí ẩn. Hiện Snowden chưa bị Chính phủ Mỹ buộc tội hay yêu cầu dẫn độ.

Snowden, 29 tuổi, là một chuyên gia công nghệ thông tin làm việc cho một công ty nhận thầu từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Snowden đã rời khỏi khách sạn nơi anh đang ở tại Hong Kong ngay sau khi hé lộ danh tính bản htân cho tờ Guardian của Anh trong ngày 9/6.

Các thông tin do anh cung cấp đã cho thấy các chương trình giám sát rộng lớn do NSA thực hiện trong hoạt động liên lạc qua điện thoại và Internet, đã gây tranh cãi lớn. Một số người ca ngợi Snowden là người hùng bảo vệ tự do trong khi số khác nói anh là kẻ phản quốc.

Snowden đã cho Guardian biết rằng anh hy vọng sẽ được tị nạn ở Iceland. Tuy nhiên lãnh đạo cơ quan nhập cư Iceland nói rằng nước này chưa nhận được đề nghị chính thức nào và Snowden sẽ phải ở trên đất Iceland trước khi có thể xin tị nạn.

Trong khi đó, Nga cũng đã bày tỏ ý định sẽ cân nhắc cho Snowden tị nạn nếu anh này nộp đơn.

Trong khi đó, biện minh cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sau vụ rò rỉ các chương trình giám sát tuyệt mật, Giám đốc NSA Keith Alexander ngày 12/6 khẳng định hoạt động giám sát bí mật của nước này đã ngăn chặn hàng chục vụ tấn công tiềm tàng.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của các nỗ lực giám sát mạng Internet và cuộc thoại tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Tướng Alexander cho hay: "Điều này là bảo mật, nhưng nó đã giúp ngăn chặn hàng chục hành động khủng bố.. cả ở trong và nước ngoài".

Ông Alexander cũng nói rằng NSA đang tìm cách cung cấp thêm thông tin cho các nghị sĩ và công chúng. Theo ông Alexander, trước khi được lệnh theo dõi dữ liệu chi tiết hơn, NSA cần "mối nghi có cơ sở và có thể diễn đạt rõ ràng".

Ngoài ra, khi được hỏi về việc liệu NSA có thể xác định thông tin mà người dùng tìm kiếm trên trang web Google hay không, ông Alexander cho hay: "Vâng, chúng tôi làm được... cần phải có lệnh của tòa án... để thực hiện các hoạt động tìm kiếm trong phạm vi này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục