Ngày 21/2, cựu Tổng thống Yemen Abdrabbu Mansour Hadi đã rời khỏi tư gia tại thủ đô Sanaa sau nhiều tuần chịu sự quản thúc tại gia của phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite, Houthi.
Ông Hadi được cho là đang trên đường tới Aden, thị trấn quê hương ở miền Nam Yemen.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu phiến quân Houthi cho phép ông Hadi rời tư gia hay là ông chạy thoát khỏi lực lượng này, trong bối cảnh Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kêu gọi phiến quân Houthi chấm dứt ngay việc quản thúc tại gia đối với ông Hadi.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/2, các nhà hoạt động xã hội tại Yemen cho biết phiến quân Houthi đã nổ súng vào những người biểu tình tại thành phố Ibb, miền Trung nước này, khiến một người thiệt mạng và một người bị thương.
Đám đông đã tụ tập tại một quảng trường để phản đối vai trò của Houthi trong vụ lật đổ chính quyền hồi tháng trước.
Sau vụ nổ súng, hàng nghìn người đã đổ xuống đường phản đối phiến quân Houthi.
Các nhân chứng cho biết Houthi đang triển khai thêm lực lượng an ninh để đối phó với làn sóng biểu tình này.
Trước đó, ngày 20/2, phiến quân Houthi và các phe phái đối địch khác tại Yemen đã nhất trí thành lập một "hội đồng chuyển tiếp của nhân dân" nhằm giúp điều hành đất nước và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Động thái này diễn ra sau khi phiến quân Houthi tiếm quyền tại Yemen, dẫn tới việc Tổng thống Hadi phải từ chức hồi tháng trước cũng như nhiều cơ quan chính phủ nước này bị tê liệt.
Yemen rơi vào khủng hoảng kể từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở Yemen, cũng như viễn cảnh miền Nam nước này đòi ly khai.
Tình trạng bất ổn an ninh và chính trị ở Yemen đã buộc nhiều nước trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Đức, Saudi Arabia... phải đóng cửa Đại sứ quán tại Sanaa, sơ tán nhân viên ngoại giao và thân nhân của họ về nước, đồng thời cảnh báo công dân rời khỏi Yemen càng sớm càng tốt./.