Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, Jamal Benomar ngày 20/2 thông báo các phe phái đối địch tại nước này đã nhất trí thành lập một "hội đồng chuyển tiếp của nhân dân" nhằm giúp điều hành đất nước và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trong một tuyên bố, ông Benomar khẳng định: "Đây không phải là một thỏa thuận cuối cùng nhưng là một bước đột phá quan trọng, mở đường cho việc đạt được một thỏa thuận toàn diện."
Động thái này diễn ra sau khi phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite, Houthi tiếm quyền tại Yemen, dẫn tới việc Tổng thống Yemen phải từ chức hồi tháng trước cũng như nhiều cơ quan chính phủ nước này bị tê liệt.
Theo thỏa thuận trên, Hạ viện cũ của Yemen, gồm 301 thành viên, trong đó chủ yếu là các nghị sĩ của đảng cầm quyền trước đây được cho là ủng hộ phong trào Houthi, sẽ tiếp tục ở lại.
Nhằm thay thế cho Thượng viện cũ, một hội đồng chuyển tiếp mới, hiện chưa rõ số thành viên, sẽ bao gồm các thành phần vốn không có quyền đại diện như lực lượng thanh niên, phụ nữ hay các bộ tộc ở miền Nam Yemen. Hai cơ quan này sẽ cùng nhau xây dựng luật pháp đưa Yemen vào giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Benomar nêu rõ các vị trí như tổng thống và các bộ trưởng, cũng như tình hình an ninh tại Yemen sẽ cần đàm phán thêm. Hiện phong trào Houthi cũng như hai phe đối lập Hồi giáo dòng Sunni chính chưa có bình luận gì về diễn biến trên.
Yemen rơi vào khủng hoảng kể từ từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở Yemen, cũng như viễn cảnh miền Nam nước này đòi ly khai.
Tình trạng bất ổn an ninh và chính trị ở Yemen đã buộc nhiều nước trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Đức, Saudi Arabia.. phải đóng cửa Đại sứ quán tại Sanaa, sơ tán nhân viên ngoại giao và thân nhân của họ về nước, đồng thời cảnh báo công dân rời khỏi Yemen càng sớm càng tốt./.