Theo worldometers.info, tính đến 8h ngày 10/10 (giờ Việt Nam), tổng số bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới hiện là 37,09 triệu người, trong đó 1,072 triệu người đã tử vong.
Trong 24 giờ qua, trên toàn cầu ghi nhận thêm hơn 352.000 trường hợp nhiễm mới và số ca tử vong là 5.736 ca.
Ở cấp độ châu lục, châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi có thêm 110.051 bệnh nhân nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 5,83 triệu người, trong đó hơn 229.000 người đã tử vong.
Pháp là nước có số trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh cao nhất trong 24 giờ qua - hơn 20.000 ca, tiếp đến là Anh (13.864 ca), Nga (12.126 ca).
Tuy nhiên, Nga vẫn là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất tại châu Âu - 1,27 triệu bệnh nhân, sau đó là Tây Ban Nha - 890.000 bệnh nhân.
[Nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19]
Sau châu Âu, châu Á là châu lục có số ca nhiễm mới trong một ngày qua cao thứ hai thế giới - với 106.500 ca. Số bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ chuẩn bị vượt qua ngưỡng 7 triệu người khi nước này ghi nhận thêm hơn 73.000 ca nhiễm mới.
Tiếp đến là các nước Iran (4.100 ca nhiễm mới), Indonesia và Philippines cũng xác nhận thêm lần lượt 4.094 và 2.996 trường hợp mới mắc COVID-19.
Bắc Mỹ cũng ghi nhận thêm 72.000 bệnh nhân nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Đứng đầu là Mỹ với 60.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 7,8 triệu người, trong đó 218.000 người đã tử vong.
Nam Mỹ cũng có thêm 54.000 bệnh nhân nhiễm mới virus SARS-CoV-2 với Brazil đứng đầu - thêm 27.000 ca nhiễm mới và tổng số bệnh nhân hiện là hơn 5 triệu người.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển vắcxin đang được các nước đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Ngày 9/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có 171 quốc gia và nền kinh tế tham gia sáng kiến COVAX về tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu sau khi Trung Quốc cùng với Hàn Quốc và quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương tuyên bố tham gia.
Sáng kiến COVAX nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccnie COVID-19 khi nó được phát triển. Hiện Mỹ và Nga chưa tham gia sáng kiến.
Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward cho biết “càng nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến COVAX, càng có nhiều cơ hội để triển khai vắcxin càng nhanh càng tốt, càng công bằng càng tốt, để giảm nguy cơ các bệnh nhân COVID nặng trên toàn cầu”.
Trong khi đó, Mỹ dự kiến cung cấp miễn phí cho người dân hơn 1 triệu liều điều trị kháng thể đối với bệnh COVID-19, tương tự loại Tổng thống Donald Trump đã được điều trị những ngày vừa qua.
Ngày 9/10, Tổng thống Trump cho biết giới chức đang đàm phán để thuốc điều trị kháng thể COVID-19 do hai hãng dược Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly & Co có thể được cấp phép nhanh chóng và sớm được phân phối tới các bệnh viện sau khi chính ông đã được điều trị hiệu quả bằng thuốc này.
Liên quan tới tình hình sức khỏe, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News vào tối 9/10 (giờ địa phương), Tổng thống Trump tuyên bố ông đã ngừng dùng thuốc chống virus SARS-CoV-2 để điều trị bệnh COVID-19 từ 8 giờ trước.
Cùng ngày 9/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo về tình hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ Latinh, trong đó tiếp tục thay đổi mức dự báo suy giảm của khu vực này trong năm 2020 lên 7,9% so với mức 7,2% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
Theo báo cáo của WB, Mỹ Latinh hiện đang là khu vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kể cả trong lĩnh vực y tế khi chiếm tới hơn 33% trường hợp tử vong trên toàn cầu vì bệnh dịch này, cũng như trong lĩnh vực kinh tế do sự suy giảm về nhu cầu tiêu thụ bên ngoài, sự sụp đổ của ngành du lịch, cũng như ảnh hưởng từ biện pháp cách ly xã hội bắt buộc kéo dài nhiều tháng mà hầu hết các nước áp dụng./.