Đại lộ Thăng Long dù mới đưa vào thông xe để sử dụng từ đầu tháng 10/2010 nhưng tại mặt đường đã xuất hiện những vết vá nham nhở, ổ gà xuất hiện trên nền đường, thậm chí có đoạn còn nứt tạo thành “rãnh” có độ sâu đến chục phân. Tại khu vực gần các công trường xây dựng, những xe ô tô trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi đất đá xuống lòng đường khiến cho các phương tiện lưu thông gặp rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long thì với hiện trạng trên không có gì ngạc nhiên do đã lường trước được về sự cố sẽ xảy ra. Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, trên bề mặt cầu có những đoạn sâu hoắm xuống ép phần mặt đường phần còn lại dồn lên, tạo thành những đoạn gồ nhô cao lên so với mặt đường. Vết lõm xuất hiện và kéo dài theo chiều ngang của khổ đường. Thậm chí vết lõm còn bám sát, in thành vệt “hoắm” sâu xuống làn đường tạo thành những đường kẻ thẳng tắp chia đôi đường. Anh Nguyễn Văn Thắng lái xe chạy ngày ngày vẫn phải đi qua Đại lộ Thăng Long cho biết: “Từ khi thông xe đại lộ này, ngày nào tôi cũng hai lần qua đây. Tôi thấy các điểm lún xuống và gờ sóng nổi lên trên mặt đường bắt đầu xuất hiện cách đây đã lâu. Vết lún ngày một dài và sâu, các xe ô tô có trọng tải lớn cứ theo vết lún mà đi nên tình trạng lún ngày càng nghiêm trọng,” anh Thắng nói. Theo ông Hồ Ngọc Loan, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, những vết nứt, lún này đã phát hiện trước đó ba tháng, nhà thầu cùng đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục quan trắc, theo dõi những sự cố phát sinh trên đường, tiến hành bù lún khi cần thiết để tạo phẳng đúng cao độ. Về những điểm lún trên mặt đại lộ Thăng Long, theo ông Loan do nền đất yếu, nên sự co dãn, trồi sụt không đều giữa phần đường và phần cầu. Cũng có thể do thi công không đảm bảo, đơn vị thi công hạn chế về kinh nghiệm xây dựng công trình giao thông [Vinaconex thi công - PV]. “Ngoài ra, do vấn đề kinh tế, nên phải chọn công nghệ chống lún tương đối, còn nếu chọn công nghệ chống lún tuyệt đối thì rất tốn kém, cũng không loại trừ khả năng là do xe quá tải,” ông Loan chia sẻ. Hiện nay công trình vẫn đang trong thời gian bảo hành là 24 tháng nên những hư hỏng nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm khắc phục. “Các điểm lún, nứt đang được nhà thầu thi công sửa chữa, nâng nền đất đường. Đồng thời, nhà thầu và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục quan trắc, theo dõi những sự cố phát sinh trên đường, tiến hành bù lún khi cần thiết tạo phẳng đúng cao độ để đảm bảo an toàn giao thông,” ông Loan cho biết thêm. Thời gian theo dõi lún nút, và hoàn thiện đường sẽ kéo dài có thể là 6 tháng, cũng có thể kéo dài một năm… Khi nào hiện tượng lún không còn mới tiếp tục thi công lớp nhựa trên cùng để tạo nhám. Theo ông Loan, sự cố lún nứt, sẻ rãnh không phải là ngạc nhiên bởi Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý Dự án Thăng Long đã lường trước được những sự cố này nên tới nay vẫn chưa cho thi công lớp nhựa trên cùng để tạo nhám. Sau khi đưa vào khai thác, và theo dõi một thời gian, khi nào hết lún mới thi công lớp trên cùng./.
Đại lộ Thăng Long được thông xe vào ngày 3/10/2010 đúng dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài 29,264 km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng-Hòa Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc Km31+064 (giao cắt với QL21-đường Hồ Chí Minh), tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng. |
Mạnh Hùng (Vietnam+)