Đà Nẵng cơ bản thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với bão số 5

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, các địa phương, sở, ngành đã cơ bản thực hiện tốt việc ứng phó với mưa bão và không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Đà Nẵng cơ bản thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với bão số 5 ảnh 1Một đoạn đường Hùng Vương (Đà Nẵng) bị ngập sâu trong nước do mưa lớn liên tục của bão số 5 gây ra. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 12/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi họp trực tuyến về ứng phó với bão số 5 và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, các địa phương, sở, ngành đã cơ bản thực hiện tốt việc ứng phó với mưa bão và không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, đánh giá an toàn các hồ chứa trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình; kịp thời thông báo cho các địa phương khi mực nước qua tràn về hạ du để cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

[Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5, chủ động ứng phó mưa lũ]

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, đề phòng nguy cơ sạt lở, ngập lụt do mưa lớn; nhanh chóng khắc phục các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những khu vực nước tràn vào nhà dân, gây mất an toàn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố kiểm tra, làm rõ việc lợi dụng mưa bão để xả thải ra sông, kênh, mương, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, ngày 12/9, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn gây mưa lớn trên diện rộng trên địa bàn thành phố.

Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường, trong đó ngập nặng là đường Nguyễn Đức Cảnh (Hải Châu), Hồ Nghinh, Nguyễn Huy Chương (Sơn Trà), Nguyễn Tất Thành (Thanh Khê)...; làm 322 cây xanh bị ngã đổ, hơn 1ha rau màu bị hư hại, 4ha lúa bị ngập úng...

Hai phương tiện bị mắc cạn tại bờ biển Thanh Khê nhưng không có thiệt hại về người.

Một tàu cá Quảng Ngãi bị chìm tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, trên tàu có 2 lao động đã được cứu hộ an toàn, hiện lực lượng chức năng đang trục vớt tàu.

Các quận, huyện đã sơ tán tổng cộng 612 hộ/2.256 nhân khẩu tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đến chiều 12/9, hầu hết số hộ dân được di dời trên đã trở về nhà.

Hòa Vang là khu vực có nhiều đồi núi, sông suối tiềm ẩn nguy hiểm, Ủy ban Nhân dân huyện đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trước bão.

Khoảng 10 điểm ngập úng cục bộ đã cho khơi thông trước bão nên chỉ ngập nhỏ khi mưa lớn. 146 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất được di dời đến nơi an toàn và được test nhanh COVID-19 khi sơ tán.

Tại cuộc họp, bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Đà Nẵng báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố, từ 13 giờ ngày 11/9 đến 13 giờ ngày 12/9, thành phố phát hiện 12 ca mới mắc COVID-19 (trong đó có 5 ca có khả năng lây ra cộng đồng). Trong ngày, 81 bệnh nhân được ra viện, một trường hợp tử vong, 1.348 bệnh nhân đang điều trị.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, số ca mắc mới trong ngày giảm xuống còn 12 ca là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Sau 2 ngày tạm dừng tiêm chủng do mưa bão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu, từ ngày 13/9 tiếp tục triển khai tiêm chủng trên toàn thành phố. Sở Y tế Đà Nẵng tập trung điều hành công tác tiêm chủng.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện lên danh sách, kế hoạch tiêm, sắp xếp thời gian, địa điểm tiêm thuận lợi nhất cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục