Tại Hội nghị đối thoại với chính quyền thành phố Đà Nẵng vào chiều 24/9, nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn sớm được hoạt động với công suất tối đa sau khi hoàn thành việc tiêm chủng cho người lao động.
Để có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều kiến nghị, đề xuất chính quyền thành phố Đà Nẵng như: sớm được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho người lao động để ổn định sản xuất; được hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động; được tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, hàng hóa lưu thông trong nước và quốc tế; được thông tin kịp thời các quy định, chính sách chống dịch của thành phố bằng nhiều thứ tiếng...
Đánh giá cao việc phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng, ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng nhận định chính quyền đã có nhiều quyết định kịp thời, giúp giảm số lượng ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các quyết định được thay đổi quá nhanh nên các công ty rơi vào thế bị động, không kịp thay đổi để thích ứng.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng rất chia sẻ và đồng hành với các quyết sách chống dịch của thành phố. Song giờ đây, dịch đã cơ bản được kiểm soát, cần xây dựng kịch bản phải sống chung, để vừa duy trì sản xuất vừa phòng, chống dịch.
[Dịch COVID-19: Đà Nẵng tìm cách gỡ khó khăn cho doanh nghiệp]
Còn theo ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), hiện nay, công ty đã có trên 90% người lao động tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và đang dần khôi phục các hoạt động sản xuất. Nhưng hiện nay, các đơn hàng vẫn đang bị chậm do giãn cách xã hội và chưa được hoạt động hết công suất.
Ông Ciprian Bota kiến nghị thành phố Đà Nẵng sớm được phân bổ thêm vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho người lao động, đồng thời cho phép các chuyên gia nước ngoài được lựa chọn cách ly tại các khách sạn, cơ sở lưu trú thay vì phải cách ly tập trung như hiện nay.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản-Chi hội Đà Nẵng (JCCID) thì cho rằng, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu từ các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam nhưng hàng hóa hiện rất khó lưu thông vì không thiết yếu. Nếu không sớm có sự thông thương, kết nối, sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị thành phố nới dần các quy định về giấy đi đường vì thực tế có một số doanh nghiệp đã tuyển được nhân sự mới nhưng người lao động không thể đến doanh nghiệp để nhận việc. Mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là được tạo điều kiện hoạt động với 100% công suất để hoàn thành đơn hàng cho các đối tác.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp FDI là cơ sở quan trọng để thành phố nghiên cứu và sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.
Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.
Trước mắt đến đầu tháng 10, thành phố sẽ đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 và hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết ông đã trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch trong từng đơn vị, doanh nghiệp FDI và đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp, kỹ lưỡng, cẩn thận của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch; tăng cường tuyên truyền làm cho người lao động thấy được việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình, doanh nghiệp trong sinh hoạt và làm việc; đặc biệt là tạo ra thói quen và cộng đồng; chăm lo đời sống, chế độ cho người lao động đảm bảo các quy định của Trung ương và của thành phố./.