Đà Nẵng: Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, tăng trưởng khá trong quý 1

Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 4,7%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,01%.
Đà Nẵng: Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, tăng trưởng khá trong quý 1 ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 14/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố trong quý 1/2023.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, với chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, thành phố đã giữ được nhịp độ tăng trưởng khá nhờ việc phục hồi tích cực của các hoạt động du lịch và lĩnh vực dịch vụ đi kèm.

Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 4,7%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,01%.

Hoạt động du lịch được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong quý I/2023, thành phố đón hơn 1,4 triệu lượt khách, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành đạt 5.897 tỷ đồng, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tình hình xuất, nhập khẩu quý 1 ước đạt 661 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 đạt 5.469,7 tỷ đồng. Thành phố dẫn đầu về GRDP của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng; xếp thứ hai trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương; thứ bảy trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 19 so với cả nước.

Đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn đã đặt câu hỏi về những vấn đề người dân quan tâm như vi phạm về việc kè suối, chặn dòng một số khu vực để làm du lịch, vấn đề xử lý rác thải, tình trạng bò thả rông trong đô thị, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố…

Trả lời báo chí, liên quan đến sai phạm tại suối Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho biết:  từ khi làm hầm đường bộ Hải Vân thì dòng chảy suối Lương bị chặn. Thời gian qua, lượng nước đọng lại trên suối chỉ là nước mưa, người dân lợi dụng việc này để chặn dòng làm du lịch tự phát.

Ông Nguyễn Nhường thừa nhận việc quản lý thiếu sâu sát nên để xảy ra tình trạng người dân chặn suối. “Chính quyền quận Liên Chiểu đã kiểm tra, tiến hành tháo dỡ một số vi phạm và sẽ tiếp tục thực hiện thời gian tới để trả lại hiện trạng ban đầu cho suối Lương” ông Nguyễn Nhường cam kết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho hay, sau khi báo chí phản ánh vi phạm chặn suối làm du lịch của các khu du lịch trên địa bàn, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành kiểm tra, rà soát. Qua đó phát hiện vi phạm của Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài do Công ty cổ phần DHC Suối Đôi làm chủ đầu tư đã xây kè chặn suối khi chưa được phép.

[Đà Nẵng dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tăng trưởng GRDP]

Huyện đã ra quyết định xử phạt 170 triệu đồng và yêu cầu trong 60 ngày đơn vị vi phạm phải trả lại hiện trạng ban đầu. Công ty cổ phần DHC Suối Đôi đã thực hiện đóng phạt và đang khắc phục trở lại hiện trạng ban đầu.

Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải của thành phố, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố ban hành chính sách môi trường, trong đó, có lộ trình cụ thể về xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường, bao gồm xử lý chất thải rắn từ nay đến năm 2030. Về chiến lược của quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2030, các đô thị lớn sẽ hướng về chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ mới.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo thực hiện các quy định về đầu tư, quy hoạch. Tiến độ đặt ra đến năm 2025, thành phố có thể đưa nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp thay thế các giải pháp chôn lấp.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng tăng cao trong quý 1/2023 với hơn 450 doanh nghiệp, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, sau đại dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn nên nhiều đơn vị phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2023.

Theo ông Lê Minh Tường, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể chủ yếu quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5-30 người, không chịu nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Các lĩnh vực tạm ngừng, giải thể tập trung chủ yếu nhóm ngành: buôn bán, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống, tư vấn

Cùng với đó là khó khăn về dòng tiền đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, nhất là đơn vị phụ thuộc xuất khẩu và nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay. Thành phố tiếp tục triển khai giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục