Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, có khả năng cạnh tranh

Đà Nẵng phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao của Hòa Vang đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp.

Một góc núi rừng xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Một góc núi rừng xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường phát huy lợi thế sinh thái tự nhiên, môi trường cảnh quan, giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề của khu vực nông thôn Hòa Vang, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa ngành.

Đây là nội dung quyết định số 495/QĐ-UBND mà Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng mới ban hành về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Chương trình đặt mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương vào đầu tư phát triển du lịch nông thôn để phát triển đa dạng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bên vững.

Đà Nẵng phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hòa Vang đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn gắn liền với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thành phố hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái tự nhiên.

ttxvn_lang hoa hoa vang 1.jpg
Làng hoa Dương Sơn tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo các kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình Chuyển đổi Số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Thành phố phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá và ứng dụng các dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn tại huyện.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang chủ trì tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng năm và đột xuất theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua Sở Du lịch.

ttxvn_huyen hoa vang.jpg
Các vườn trồng tre của người dân ở xã Hòa Bắc (Hòa Vang) kết hợp phát triển du lịch sinh thái. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.

Sở Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tư vấn về chuyên môn, tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch cho các đơn vị quản lý và các đối tượng tham gia phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, dụ lịch cộng đồng; tham dự đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch."

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố phối hợp với Sở Du lịch tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn; rà soát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP nhóm VI - "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.”

Hiệp hội Du lịch thành phố hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp lữ hành, du lịch kết nối đến các điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng chương trình du lịch, quảng bá các tuyến, điểm du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục