Đặc phái viên Mỹ-Hàn thảo luận nối lại đàm phán hạt nhân Triều Tiên

Ông Stephen Biegun và ông Lee Do-hoon được cho là sẽ phối hợp các quan điểm và chiến lược của hai nước về cách thức đạt được tiến triển một khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên được nối lại.
Đặc phái viên Mỹ-Hàn thảo luận nối lại đàm phán hạt nhân Triều Tiên ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon (phải) và Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tại cuộc hội đàm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/8. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Ngày 21/8, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon thảo luận về các nỗ lực chung nhằm nối lại và thúc đẩy đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Cuộc gặp diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, theo đó ông Biegun khởi động chương trình làm việc chính thức với một loạt cuộc gặp giới chức cấp cao của nước chủ nhà, trong đó có Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Yeong-chul.

Ông Biegun và ông Lee Do-hoon được cho là sẽ phối hợp các quan điểm và chiến lược của hai nước về cách thức đạt được tiến triển một khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên được nối lại.

[Mỹ thừa nhận sự đình trệ trong việc nối lại đàm phán với Triều Tiên]

Ông Biegun tới Hàn Quốc ngày 20/8, sau khi thăm Nhật Bản 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ kết thúc, mở ra triển vọng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, cùng ngày 21/8, thông qua truyền thông nhà nước, Triều Tiên thể hiện sẵn sàng tiếp tục phát triển và thử nghiệm các vũ khí mới, đồng thời cáo buộc Mỹ tìm cách đối đầu qua các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nêu rõ: "Không thể có đối thoại mang tính xây dựng trong khi đối đầu được thúc đẩy. Chúng ta phải phát triển, thử nghiệm và triển khai những phương tiện mạnh cần thiết cho quốc phòng."

Triều Tiên từng cảnh báo các kế hoạch chống lại nước này, bao gồm các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, có thể cản trở việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều và dẫn tới việc Bình Nhưỡng cân nhắc các động thái quan trọng đã thực hiện.

Theo báo trên, việc Mỹ không thay đổi chính sách thù địch khiến Triều Tiên phải có những biện pháp phòng vệ để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp. Tuy nhiên, báo Rodong Sinmun khẳng định lập trường của Triều Tiên là chống đối đầu, cải thiện quan hệ song phương với Mỹ, thiết lập hòa bình lâu dài và vững chắc trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán.

Trước đó, Triều Tiên đã liên tục phóng các vật thể bay, trong đó có các vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ra vùng biển phía Đông nước này từ ngày 25/7 để phản đối cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục