Đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth đến Triều Tiên

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Bosworth đã tới Bình Nhưỡng trong nỗ lực nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8/12 đưa tin Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth đã tới thủ đô Bình Nhưỡng trong nỗ lực nhằm đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo KCNA, ông Bosworth cùng 6 thành viên trong đoàn đã đến Bình Nhưỡng từ căn cứ không quân Mỹ tại Osan, Hàn Quốc. Dự kiến, trong chuyến thăm Triều Tiên 3 ngày, ông Bosworth sẽ tiến hành đàm phán cấp cao với các quan chức nước chủ nhà.

Đây sẽ là cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Triều Tiên đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Sau khi rời Bình Nhưỡng, ông Bosworth sẽ trở lại Seoul rồi đến Bắc Kinh, Tokyo và Mátxcơva trước khi về nước vào tuần tới.

Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ hy vọng Đặc phái viên Bosworth sẽ "thành công trong việc thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên với các đối tác khác trong tiến trình đàm phán sáu bên.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao Mỹ nhận định có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ "cởi mở" hơn trong vấn đề quay lại bàn đàm phán sáu bên so với những tuyên bố nước này đưa ra trước đó, song quan chức này cũng cảnh báo Washington sẽ tiếp tục "ủng hộ mạnh mẽ" các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng vẫn không hợp tác.

Cũng theo quan chức trên, mục đích chuyến thăm của ông Bosworth là tìm hiểu rõ "những ý định thực sự" của Bình Nhưỡng, chứ không phải là "lời hứa hẹn dài dòng".

Cũng liên quan đến chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ tới Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du khẳng định Bắc Kinh ủng hộ các cuộc tiếp xúc và đối thoại Mỹ-Triều Tiên, đồng thời hy vọng chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đặc phái viên Mỹ sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên và giúp nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tháng 4 vừa qua, Triều Tiên đã rút khỏi tiến trình đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên) để phản đối việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn khi sau đó gần một tháng, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai, kèm theo một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục