Xung quanh Chương trình 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa rất quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên những giá trị nhân văn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực xây dựng "Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam." (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực xây dựng "Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực xây dựng "Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045." Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2035.

Ngay trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề này. Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

Văn hóa ‘thấm sâu’ vào mọi mặt đời sống

- Thưa Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Trong Báo cáo về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 15 lần đề cập đến từ “văn hóa.”

Các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương ngày càng quan tâm, coi trọng văn hóa, từ đó có những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm từng bước đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế-xã hội. Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần làm cho văn hóa ngày càng "thấm sâu" vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Chúng ta thấy rằng, kết quả đó đã giúp gắn văn hóa với kinh tế-xã hội, chứng minh sức mạnh và sự lan tỏa của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Chuyển biến từ nhận thức đến hành động này đã khích lệ tinh thần, tạo ra động lực cho toàn ngành văn hóa và cả xã hội, góp phần củng cố hơn nữa nền tảng tinh thần và hệ điều tiết của xã hội trong giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa ảnh 1Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Về "Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045,” ông có bình luận gì về phương hướng của Chính phủ để thực hiện chương trình này?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều thách thức, sự phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa trong giai đoạn sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nên nhiệm vụ “phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra trong quan điểm chỉ đạo điều hành trong giai đoạn tới vẫn rất quan trọng và hết sức nặng nề.

[Phim 'Đất rừng phương Nam': Bài học ranh giới sáng tạo và chuyển thể]

Để văn hóa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội thì cả hệ thống chính trị phải thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành “Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam.”

Ngoài ra chúng ta còn những nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác như: Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hoá cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; hoàn thiện cơ chế, chính sách khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại; dành nguồn lực hợp lý để thúc đẩy thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao... như đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, đều là những giải pháp hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều trở ngại ‘trói buộc’ văn hóa

- Thưa ông, đích đến rất rõ ràng song chặng đường “chấn hưng văn hóa” dường như còn nhiều trở ngại?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa rất quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên những giá trị nhân văn.

Nói một cách cụ thể, năm 2024 và đặc biệt là năm 2025 sắp tới sẽ có rất nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước: 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 70 năm Chiến thắng Điện Biên, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày Quốc khánh, 80 năm thành lập ngành văn hóa...

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp từ những sự kiện quan trọng này. Chúng ta phải đầu tư để có những sản phẩm xứng tầm thời đại, còn mãi với thời gian mà các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cần có thời gian để hình thành và kết tinh thành giá trị. Do đó, nếu Nhà nước phân bổ ngân sách theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” thì khó mà có được những tác phẩm chất lượng.

Tôi rất trăn trở vì nhiều tác phẩm điện ảnh về Việt Nam nổi tiếng thế giới lại không phải do người Việt làm ra. Chúng ta phải chuẩn bị sớm để có cơ hội tự kể “câu chuyện” của mình với thế giới. Tuy nhiên những nhà sáng tạo nghệ thuật trong nước đang gặp nhiều trở ngại về nguồn lực và cơ chế.

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa ảnh 2Cảnh trong phim 'Đất rừng phương Nam.' (Ảnh: NSX)

Tôi xin lấy ví dụ về bộ phim “Đất rừng phương Nam” đang khiến dư luận dậy sóng thời gian gần đây.

Tôi cho rằng đây không phải vấn đề phê bình một bộ phim mà là quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và cả phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà.

Sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tác văn học, nghệ thuật là việc làm rất đáng khuyến khích nhưng nhà sáng tạo gặp muôn vàn khó khăn. Làm sao để cân bằng được yếu tố lịch sử và sáng tạo nghệ thuật, để lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn, thu hút khán giả nhiều hơn?

Tôn trọng lịch sử phải được xem là một nguyên tắc. Sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố đó ở một mức độ đa số công chúng chấp nhận lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của xã hội.

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa ảnh 3Quang cảnh Kỳ họp thứ 6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chúng ta vẫn thường tấm tắc khen các bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc… hấp dẫn nhưng những bộ phim như vậy mà làm ở Việt Nam chắc chắn cũng gây ra nhiều tranh luận, thậm chí phải hứng chịu “búa rìu” dư luận.

Tôi mong sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận một cách “thoáng” hơn, được lắng nghe theo cách tích cực nhiều hơn, và được ủng hộ nhiều hơn.

Có như vậy, văn nghệ sỹ mới dám xả thân vì nghệ thuật, vì những giá trị cao đẹp của cuộc sống để khai thác chất liệu lịch sử để tạo nên những sản phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm thời đại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ về "Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035" trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay Bộ đề xuất tổng mức đầu tư cho chương trình là 350.000 tỷ đồng, bám sát Luật Đầu tư công. Đây là con số được tổng hợp từ các địa phương để trình và mang tính khái quát, còn phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn để tính toán.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo bảo tồn phát huy các di sản.

Ông lấy ví dụ cả nước có 128 di tích quốc gia đặc biệt. Song, nhiều di tích ở các địa phương bị xuống cấp nhưng chưa được quan tâm bởi nguồn lực có hạn.

Bộ trưởng cũng đề cập đến việc phải bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… đồng thời, cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để bộ hoàn thiện chương trình này.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục