Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' loại bỏ tình trạng bỏ cọc trong hoạt động đấu giá

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến bổ sung cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản với kỳ vọng hoạt động đấu giá sẽ minh bạch, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước những tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản như "quân xanh, quân đỏ," “thổi giá,” bỏ cọc, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về nội dung này.

Nâng giá đặt cọc

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách Nhà nước, dẫn tới tiêu cực.

phamvanhoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Hòa dẫn chứng một số vụ việc gây dư luận không tốt trong thời gian qua, như vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ôtô hay quyền khai thác 3 mỏ cát “khủng” ở Hà Nội.

Để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo đồng thời đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.

Đại biểu khẳng định có như vậy mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định về mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật đất đai.

Theo Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, quy định đấu giá quyền sử dụng đất với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm chưa thống nhất với Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 10/2023 của Chính phủ về điều kiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

Bà Trân cho rằng tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều này.

Bà Trân cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá.

baotran.jpg
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Bình Dương đề xuất nâng tiền cọc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát biểu ý kiến tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đồng tình với việc tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.

Bà Nga cho rằng đây là giải pháp để tránh tình trạng đối tượng “cò mồi” tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

“Hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền là từ 5-10% giá trị tài sản, tuy nhiên tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20%, con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng ‘cò’ sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn,” bà Nga nêu rõ.

Thêm chế tài xử phạt

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị giữ quy định hiện hành về tiền đặt trước, cho rằng quy định này là phù hợp nhằm thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá.

“Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc,” Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung giải thích.

Bà Dung lấy ví dụ: Nếu nâng mức đặt trước lên 40-50%, khi tài sản có giá trị khởi điểm 1 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải chuẩn bị nộp 400-500 triệu đồng tiền đặt cọc, trong khi chưa chắc đã trúng đấu giá.

Để hạn chế việc bỏ cọc, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

phanthimydung.jpg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn Long An đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tiền đặt trước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi “thổi giá,” bỏ cọc, tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.

Cụ thể, Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.

Cùng quan điểm, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

“Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến,” ông Dương Khắc Mai nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu để xây dựng luật, hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định dự thảo sẽ cố gắng công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục