Đại biểu Quốc hội lên tiếng về đề xuất vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng

Ông Kiên cho rằng, cần sử dụng nguồn vốn ODA cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hay dự án Xe buýt nhanh Hà Nội.
Đại biểu Quốc hội lên tiếng về đề xuất vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng ảnh 1Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có tổng chiều dài 96km.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn Sóc Trăng cho rằng phải sử dụng vốn vay ODA cho hiệu quả, tránh như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Vốn ODA thì vay của nước nào cũng giống nước nào, vì nước cho vay ODA lãi suất thấp thì đều có các điều kiện. Nghĩa là vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là tiền đầu tư vào trong đất nước chúng ta. Chúng ta phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hay dự án Xe buýt nhanh Hà Nội.

Dự án xe buýt nhanh của thành phố Hà Nội tới 11.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số số 7.000 tỷ đồng mà đến thời điểm này đã gần hết thời gian giải ngân nhưng vẫn không chạy được. Do đó, vấn đề không nằm ở chỗ nguồn tiền đến từ đâu mà sử dụng như thế nào để có lợi nhất cho đất nước.

Vốn vay ODA có những điều kiện đi kèm như chỉ định nhà thầu của họ, mang người của họ sang làm…, điều này phải do cơ quan tiếp nhận vốn ODA này đàm phán hợp đồng. Khi đàm phán hợp đồng phải rất cụ thể. Chẳng hạn nước cho vay ODA chỉ định thầu nhưng nhà thầu phụ ra sao, nếu tôi vay như vậy có phải EPC (hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp) không, nếu vay theo EPC thì lãi suất là bao nhiêu, hay mình vay rồi về mình cấp vốn lại… tất cả phải được thể hiện trên hợp đồng.

Quan điểm của tôi là vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn vay trong nước. Nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại. Chúng ta phải nâng cao trách nhiệm đội ngũ đi đàm phán vay vốn và đội ngũ tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đó.

- Trong trường hợp nhà tài trợ ODA khác ngoài Trung Quốc với các điều kiện cho vay như nhau thì nên lựa chọn nhà đầu tư nào thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi biết đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA để thực hiện dự án. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn có các phương án lựa chọn khác, lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn.

- Từ dự án Cát Linh theo ông có nên lựa chọn vay trong nước với lãi suất cao hơn nhưng lại khắc phục được việc chậm hay không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp, dư địa để làm là có giới hạn thế nên phải cân đối lại các khả năng đó. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước.

- Theo ông trong việc vay ODA thì lãi suất vay rẻ có phải là yếu tố quyết định lựa chọn đối tác khác không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Khi quyết định chọn vốn vay ODA của quốc tế, yếu tố lãi suất thấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, thời điểm.

Ví dụ bây giờ chúng ta muốn vay làm đường sắt thì không ai cho vay, duy nhất chỉ có Nhật Bản, còn các nước không muốn cho vay, họ phải được lợi gì từ các khoản cho vay đó và khả năng họ thu lại được lợi nhuận từ khoản vay đó là bao nhiêu?

Kinh tế bao gồm cả lợi nhuận của cả nước cho vay và nước sử dụng cho vay, đàm phán thế nào cùng “win-win” thì chúng ta thắng, còn nếu đàm phán không tốt hoặc có vấn đề gì đó trục trặc trong quá trình sử dụng (như công tác giải phóng mặt bằng chậm) theo luật sẽ bị phạt vì nhà thầu đã đưa máy móc thiết bị sang, còn nếu họ làm nhanh hơn tiến độ thì phải thưởng và phải trả những khoản đó.

Có những khoản phát sinh ngoài ý muốn khi đàm phán thì mình phải chịu, ví dụ như chi phí thi công và nó có ràng buộc rất rõ ràng khi vay vốn ODA.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục