Đại biểu Quốc hội: Văn hóa không phải là 'cái bóng' của kinh tế

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các cấp, các ngành cần phải chú trọng phát triển văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước.
Chương trình nghệ thuật mừng lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chương trình nghệ thuật mừng lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 cũng như đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển văn hóa và xem đây là nền tảng, là “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước.

Văn hóa ‘nâng đỡ’ kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển, do đó cần tránh tư duy văn hóa chỉ để giải trí mà cần phải đầu tư nhiều hơn cho sáng tạo, phát triển văn hóa.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 cũng như Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã mang lại nhiều thay đổi trong nhận thức, tư duy, hành động của các cấp, các ngành liên quan đến văn hóa.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa không phải là 'cái bóng' của kinh tế ảnh 1Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại hội trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa thì thực tế còn nhiều rào cản.

Phân tích kỹ hơn, ông Nghĩa cho rằng Chính phủ đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đạt doanh thu 31 triệu USD, trong khi đó hai đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội đã thu về hơn 300 tỷ đồng (hơn 13 triệu USD), nghĩa là gần một nửa mục tiêu của công nghiệp văn hóa nước nhà.

Từ những con số nêu trên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận định dư địa phát triển nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hóa tại Việt Nam là rất lớn, nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa không phải là 'cái bóng' của kinh tế ảnh 2Hai đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội đạt doanh thu 13 triệu USD. (Ảnh: YG Entertainment)

“Nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát. Có những đơn vị quản lý tới 5 khu đất ‘vàng’ ở trung tâm thành phố nhưng chỉ vận hành một điểm, các địa điểm còn lại thì bỏ hoang hoặc cho thuê. Ngược lại, nhiều đoàn nghệ thuật không có nhà hát, phải đi thuê để tập luyện, biểu diễn. Trong khi đó, có những nghệ sỹ đã hành nghề 10 năm nhưng vẫn phải rời nhà hát vì không có biên chế,” đại biểu nói.

Từ thực tế này, ông Nghĩa khẳng định rằng muốn có những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm thì Nhà nước phải có những chính sách xứng tầm cho các nghệ sỹ.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng các cấp lãnh đạo cần loại bỏ suy nghĩ đề cao kinh tế mà xem nhẹ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xem văn hoá là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế.

Ông Phương cho rằng việc phát triển văn hóa chưa tương quan với phát triển kinh tế, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế. Đây là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác,” đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa không phải là 'cái bóng' của kinh tế ảnh 3Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh rằng văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước.

“Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế không thể thiếu sự nâng đỡ của văn hoá. Văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển," đại biểu nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc xây dựng các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội phải được tiến hành theo điều kiện đặc thù của từng địa phương đồng thời cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa.

“Hầu như các xã đều có trung tâm văn hóa cộng đồng nhưng khai thác kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị hoặc có trang thiết bị nhưng người dân không biết cách sử dụng,” ông Phạm Văn Hòa nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 thực sự là một lời hiệu triệu để các ngành nỗ lực, tập trung nguồn lực và sự quan tâm cho phát triển văn hoá.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ lo ngại khi tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng, trong đó có những tội thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm trẻ em, bạo hành trẻ em, giết người…, cùng với đó là các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người nổi tiếng, bạo lực học đường…

Đại biểu cho rằng đây là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu.

“Chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa được coi là của riêng ngành Văn hóa thì việc phát triển văn hóa sẽ còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh thì chừng đó văn hóa cơ sở mới có sự chuyển biến," Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Lan tỏa thông điệp sống đẹp

Trước sự quan tâm này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết ngành Văn hoá đang tăng cường các công cụ của pháp luật, kịp thời xử lý nhiều điểm nghẽn đang còn tồn tại của ngành.

Nói về việc xây dựng thiết chế văn hoá như Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng theo quy định thì địa phương phải có thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã/thôn. Tuy nhiên, theo các báo cáo thì các địa phương đều chưa đạt chỉ tiêu này.

Về thiết chế văn hóa thôn bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là thiết chế văn hóa đa chức năng và ở đó có rất nhiều cách làm sáng tạo, là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, là nơi tổ chức giao lưu văn hoá, đó cũng có thể là phòng truyền thống của thôn bản.

Đại biểu Quốc hội: Văn hóa không phải là 'cái bóng' của kinh tế ảnh 4Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong cuộc thảo luận ở tổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Hiện nay, chính quyền tỉnh Yên Bái đã sử dụng nhà văn hóa thôn bản làm nơi tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh. Đó là cách khai thác nguồn lực rất tốt," Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

[Phục hồi Văn hóa Phi Vật thể dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một]

Về vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đó là một thực tế nhức nhối.

Theo Bộ trưởng, chúng ta đã có cơ sở chính trị trong vấn đề này. Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về văn hóa.

Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa ý thức, văn hóa con người hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn đại biểu lan tỏa thông điệp để nhân dân sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, gắn bó giữa gia đình nhà trường và xã hội.

"Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành, thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp," Bộ trưởng khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục