Đại dịch COVID-19 - phép thử đối với chủ nghĩa đa phương

Một số người nghĩ đến sự thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới toàn cầu sau thời kỳ dịch và những người khác cho rằng mọi việc sẽ dần trở lại bình thường nhưng họ lại lãng quên Liên hợp quốc.
Đại dịch COVID-19 - phép thử đối với chủ nghĩa đa phương ảnh 1Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) tấn công thế giới, trong thời gian ngắn, các sự kiện diễn ra đã trở nên tồi tệ vượt quá sức tưởng tượng của mọi người.

Dường như con người chưa sẵn sàng đối mặt với một đại dịch lớn như vậy nên COVID-19 lần này khiến họ bất ngờ.

Mức độ và tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh đã biến những dải đất địa chính trị thành những khu vực cách ly, và các biện pháp phong tỏa đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, cùng với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng triệu người.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19, như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Pháp dù đã nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, nhưng vẫn phải chứng kiến số người chết tăng lên, trong khi các cơ sở chăm sóc y tế quá tải.

[WHO: SARS-CoV-2 sẽ "đeo bám" thế giới trong thời gian dài]

Trong bối cảnh đại dịch, một số quốc gia châu Âu và Mỹ đã gợi ý về việc sẵn sàng giảm bớt các hạn chế để dần đưa trở lại một số hoạt động bình thường, nhưng ý định này đã bị phản đối bởi những người tin rằng hiện còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trong khi các học giả tranh luận sôi nổi về những thay đổi sắp xảy ra trong thời kỳ sau đại dịch, một số người nghĩ đến sự thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới toàn cầu và những người khác cho rằng mọi việc sẽ dần trở lại bình thường, thì họ lại lãng quên tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu: Liên hợp quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn đi đầu trong việc thực hiện những gì được ủy quyền trong các tình huống như vậy, bao gồm tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu hôm 11/3 và theo dõi sát tình hình, bất chấp mọi chỉ trích về việc tổ chức này nghe theo Trung Quốc mô tả virus không thể truyền từ người sang người.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gặp phải những thách thức lớn về hiệu quả của tổ chức này.

Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng," Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng đã cố gắng đối phó với mối đe dọa COVID-19 vào ngày 9/4 và thảo luận về các dự thảo nghị quyết của Tunisia và Pháp về đại dịch.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách tạo ra sự bất ổn về kinh tế, xã hội và chính trị trên thế giới và “sự tham gia của Hội đồng Bảo an sẽ rất quan trọng để giảm thiểu những tác động đến hòa bình và an ninh do đại dịch COVID-19 gây ra. Thật vậy, một tín hiệu về sự đoàn kết và quyết tâm từ Hội đồng Bảo an sẽ rất quý giá vào thời điểm này.”

Người ta kêu gọi Hội đồng Bảo an nên ra một nghị quyết giống như cơ quan này từng làm trước đó vào năm 2000/2001 về HIV/AIDS và cuộc khủng hoảng Ebola năm 2014, khi Hội đồng Bảo an nêu rõ các bệnh dịch này là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an không thể nhất trí về bản dự thảo nghị quyết do liên quan đến các bất đồng giữa các thành viên P5, cụ thể là Trung Quốc và Mỹ, khi đề cập đến nguồn gốc của COVID-19.

Cơ quan này đã đưa ra một thông cáo báo chí “không có sức mạnh,” trong đó nêu rõ ủng hộ các nỗ lực của Hội đồng Bảo an liên quan đến “tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19 đối với các quốc gia bị ảnh hưởng.”

Kết quả này chắc chắn không phải là thành công và mọi con mắt vì thế hướng về Hội đồng Bảo an vì cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc.

Nếu Hội đồng Bảo an vẫn không thể lên tiếng về dịch bệnh này, nhấn mạnh các đặc điểm và xác định quan điểm của nó đối với các mối đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, người ta sẽ chứng kiến vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc gặp khó khăn, như thường xảy ra trong Liên hợp quốc, với một dự thảo nghị quyết tương ứng đòi hỏi không nhiều hơn đa số phiếu bầu của các quốc gia thành viên.

Thực tiễn này thường không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoan nghênh, vì họ cảm thấy đây là một sự thể hiện bất lực của chính mình để chứng tỏ một quan điểm thống nhất về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Việc có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đại dịch COVID-19 sẽ không gây ra làn sóng virus nhanh hơn và cũng sẽ không đưa ra bất kỳ giải pháp thiết thực nào cho vấn đề đó, thậm chí nếu Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết thay vì Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, điều này sẽ chứng tỏ các quốc gia sẵn sàng giữ nguyên sự trung thành đối với các nguyên tắc hợp tác quốc tế, vẫn duy trì “trong câu lạc bộ” và ưu tiên các giá trị của chủ nghĩa đa phương trong việc đối phó với các mối đe dọa tầm cỡ như vậy.

Như chúng ta đã chứng kiến, không có quốc gia nào có khả năng một mình đối phó với các mối đe dọa như vậy, mặc dù cách ly xã hội trớ trêu lại là phương pháp phòng ngừa tốt nhất để kiềm chế sự lây lan của virus.

Bất chấp việc đóng cửa biên giới tạm thời và các biện pháp bổ sung để tăng cường chủ quyền nhà nước và kiểm soát tự do đi lại, dịch bệnh này vẫn ảnh hưởng đến mọi người ở cùng một mức độ, do đó cần có các giải pháp và hành động phối hợp, kể cả trong nghiên cứu và phát triển để tìm kiếm vắcxin và chữa bệnh hiệu quả cho những người nhiễm virus.

Do đó, các tổ chức đa phương có tiếng nói quan trọng trong việc đoàn kết và huy động nguồn lực để vượt qua những giai đoạn bất ổn và lo sợ này.

Chúng ta hãy hy vọng rằng COVID-19 sẽ không phải là một phép thử cho sự thất bại của chủ nghĩa đa phương; ngược lại, nó sẽ giúp cho chủ nghĩa đa phương hoạt động hiệu quả và thống nhất về mục đích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục