Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu

Gia tăng nợ công mạnh có thể gây ra những thay đổi về mặt cấu trúc trong toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng không chỉ phát triển kinh tế mà còn cả phát triển xã hội.
Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu ảnh 1Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/7/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã gây ra tác động sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính.

Hiện có những dấu hiệu của làn sóng dịch bệnh thứ hai với số ca nhiễm ở châu Âu, Mỹ và các nước khác gia tăng trở lại khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng và kèm theo những thay đổi về thời tiết.

Ngày càng nhiều nhân tố tham gia thị trường bắt đầu chú tâm đến việc liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ có thể nhanh chóng phục hồi trong tương lai hay không.

Các nhân tố dài hạn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế do các nước áp đặt các biện pháp đặc biệt để kiềm chế dịch bệnh vẫn đang ngày càng lũy tiến và gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt là những vấn đề nợ công do mở rộng chi tiêu tài chính và điều này sẽ có tác động sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế toàn cầu.

[WB: Các nước nghèo nhất thế giới đang "gồng gánh" khoản nợ kỷ lục]

Điều này đồng nghĩa với việc con đường dẫn đến hồi phục kinh tế vẫn còn dài và xa xôi sau khi nền kinh tế thế giới trải qua một cuộc khủng hoảng về nợ công.

Để đối phó với tác động của dịch bệnh, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đã triển khai các chính sách tiền tệ nới lỏng và các chính sách tài chính mở rộng nhằm tăng cường công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh cũng như ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ công/GDP toàn cầu tăng ở mức cao chưa từng thấy trong quý 1/2020.

Đồng thời, nợ công toàn cầu tăng mạnh, thêm 10 điểm phần trăm lên mức 89% GDP, mức tăng kỷ lục trong phạm vi một quý.

Tình hình trong quý 2 có thể sẽ trầm trọng hơn khi trên thực tế phần lớn các nước phát triển thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô vào quý 2/2020.

Mối quan tâm trước mắt là liệu sự gia tăng ảnh hưởng sẽ tồi tệ hơn và liệu tình trạng nợ công có thể kéo dài khi đại dịch tiếp tục lan rộng hay không. Nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ nợ công của một số nước châu Âu vào khoảng 150%.

Đại dịch một lần nữa đã làm tỷ lệ nợ công của các nước này tăng cao trở lại, thậm chí còn cao hơn trước.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tung ra kế hoạch khôi phục trị giá 750 tỷ euro song liệu kế hoạch này có hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch kéo dài hay không vẫn còn là điều cần chờ xem.

Trong khi khả năng chống chịu của vấn đề nợ công là vấn đề đáng quan ngại, nhưng lại không có bất kỳ chỉ số chính xác nào được sử dụng để xác định giới hạn của nợ công.

Ví dụ, tỷ lệ nợ công của Nhật Bản dự kiến sẽ vượt quá 250% trong thời kỳ áp dụng chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Abe Shinzo (Abenomics) và nợ công của Nhật Bản đã dần gia tăng trong vòng 30 năm qua.

Tuy nhiên, vấn đề nợ công của Nhật Bản lại không phải là vấn đề đáng quan ngại và đồng nội tệ của nước này thậm chí còn được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn.

Lập luận giải thích cho điều này có thể là do nền kinh tế của Nhật Bản  có thể duy trì mức tăng trưởng thấp trong một thời gian dài, khiến nợ công tiếp tục tăng. Mặc dù vậy, tác động dài hạn của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế là rõ ràng.

Và trong thời kỳ suy thoái như những gì diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, những vấn đề liên quan nợ công sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác khi tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Trong ngắn hạn, vấn đề nợ công dường như không gây ra sức ép. Trong một nghiên cứu phân tích chi phí lãi vay nợ công ở Mỹ, Anh, Đức và 5 nước trải qua cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, ngân hàng thương mại có trụ sở ở Trung Quốc China Merchants Bank kết luận rằng tỷ lệ chi phí lãi vay tính cả theo tỷ phần của GDP trên danh nghĩa và chi phí tài chính đều thể hiện xu hướng suy giảm. Do đó, dường như cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa thể sớm xảy ra.

Tuy nhiên, tỷ lệ lãi suất thấp luôn đi kèm với tình trạng thiểu phát, biểu hiện của thiếu cầu và sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ sẽ rơi vào tình trạng nghịch cảnh, tức là chấp nhận tình trạng lãi suất thấp, tăng trưởng thấp và tỷ lệ nợ công cao cùng tồn tại lâu dài hoặc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và gia tăng lạm phát, do đó, thúc đẩy tăng trưởng trên danh nghĩa và “bù đắp” nợ công.

Tuy nhiên, tỷ lệ lãi suất gia tăng ngày càng khó có thể làm bùng nổ nợ công lớn và liệu mức lạm pháp có thể được khống chế hay không sẽ là bài trắc nghiệm năng lực thực thi chính sách của các ngân hàng trung ương.

Nếu lạm phát vượt tầm kiểm soát, tỷ lệ lãi suất cao hơn ngày càng có nguy cơ thống lĩnh nền kinh tế và các thị trường tài chính, khi đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại thời kỳ “lạm phát kèm suy thoái” của những năm 1970.

Gia tăng nợ công mạnh có thể gây ra những thay đổi về mặt cấu trúc trong toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng không chỉ phát triển kinh tế mà còn cả phát triển xã hội.

Dù là mua trực tiếp nợ doanh nghiệp hay hỗ trợ các hộ gia đình ứng phó với vấn đề chi tiêu tài chính cá nhân thì mức nợ công gia tăng đồng nghĩa với vai trò của chính phủ trong hoạt động kinh tế ngày càng quan trọng hơn.

Điều này sẽ tác động đến mô hình và xu hướng chung của quá trình phát triển kinh tế toàn cầu.

Ding Anhua, chuyên gia kinh tế trưởng tại China Merchants Bank gần đây nhận định rằng nợ công không chỉ là vấn đề kinh tế mà có thể trở thành một vấn đề chính trị phức tạp.

Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ quay trở lại can thiệp vào nền kinh tế, và lịch sử sẽ quay trở lại thời kỳ đề cao vai trò thống trị của các chính phủ hùng mạnh. Cơ chế thị trường sẽ mất đi vai trò trước đây của mình. Đây là sự thay đổi to lớn ngoài sự mong muốn của con người.

Dường như chính phủ sẽ khó có thể kiềm chế mức thâm hụt tài khóa khi dịch bệnh tiếp diễn. Sự mở rộng đồng thời chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ gây ra tình trạng gia tăng giá trị tiền tệ và rủi ro vỡ nợ.

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu cảnh báo một số thị trường đang nổi với hệ thống kinh tế và tài chính mong manh có thể sẽ là những thị trường đầu tiên đối mặt với một cuộc khủng hoảng, như những gì đang xảy ra ở Argentina, Brazil, Ấn Độ và các nước khác.

Về cơ bản, giải pháp đối với vấn đề nợ công và cuộc khủng hoảng nợ công sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng thực lực của nền kinh tế để giúp gia tăng lợi tức ngân sách và giảm thiểu thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, những cú sốc mà đại dịch gây ra đang đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, việc kiểm soát đại dịch là nhu cầu cấp bách nhất nhằm hóa giải tất cả những vấn đề mà các nước phải đối mặt hiện nay.

Như các nhà kinh tế học của IMF lưu ý khi đại dịch gây ra tình trạng “bất ổn lớn” thì ưu tiên hàng đầu là giải quyết những vấn đề y tế công.

Tóm lại, khi đại dịch tái bùng phát, các nước đang và sẽ tích tụ ngày càng nhiều rủi ro nợ công lớn trong khi phải đối phó với những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Những sức ép như vậy sẽ làm thay đổi các xu hướng và mô hình phát triển kinh tế quốc tế và có thể là một trong những tác động lâu dài của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục