Ngày 29/8, lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, cảnh báo Tehran có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới nếu thỏa thuận này không phục vụ các lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút lui.
Trên trang web chính thức riêng, ông Khamenei nói: “Thỏa thuận hạt nhân là một phương tiện, không phải mục tiêu. Nếu chúng ta đi đến kết luận rằng nó không phục vụ những lợi ích quốc gia thì chúng ta có thể từ bỏ nó.”
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Tehran nên “từ bỏ hy vọng” rằng châu Âu sẽ cứu vãn thỏa thuận này.
Tại cuộc gặp Tổng thống Hassan Rouhani và nội các, ông Khamenei nêu rõ Tehran không nên thương lượng với các quan chức “khiếm nhã” của Mỹ ở bất kỳ cấp nào hòng đạt được sự đồng thuận mới về chương trình hạt nhân của Iran.
[Cuộc chiến pháp lý Mỹ-Iran: Mỹ đưa ra các lập luận tại tòa án ICJ]
Cùng ngày, tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), luật sư Mohsen Mohebi, đại diện cho Iran, tuyên bố "thời gian sắp hết, hàng triệu người dân sống tại Iran đang phải chịu đựng sự hà khắc của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt và sắp phải chịu đựng thêm các trừng phạt mà Mỹ siết chặt thêm."
Luật sư Mohebi đề nghị tòa ra phán quyết Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt Iran.
Các lệnh trừng phạt Iran vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi năm 2015.
Tuy nhiên, cách đây ba tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái áp dụng một loạt trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt đối với Iran. Gói trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ quan trọng của Iran.
Ông Trump hành động như vậy sau khi rút khỏi JCPOA hồi tháng Năm, vì cho rằng đây là "một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản nhằm ngăn chặn mọi con đường mà Iran phát triển bom nguyên tử."
Dù tất cả các bên còn lại tham gia thỏa thuận trên đã tìm cách thuyết phục, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn kiên quyết rút khỏi JCPOA.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, kéo theo tái áp đặt trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị.
Một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.
Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngưng các chuyến bay đến Tehran từ tháng Chín tới.
Từ ngày 27/8, ICJ đã mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ theo đơn kiện hồi tháng Bảy của Tehran, trong đó Iran kêu gọi ICJ ra lệnh lập tức dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ đồng thời tuyên bố Washington không có quyền tái áp đặt các biện pháp này và yêu cầu được đền bù thiệt hại.
Iran cũng khẳng định rằng việc khôi phục các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 là vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.
Phiên tranh tụng giữa Iran và Mỹ dự kiến kéo dài 4 ngày, nhưng dự kiến tòa mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không, trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm./.