Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Ngày 27/11, Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - vị Hoàng đế anh hùng, nhà văn hóa lớn, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử-Việt Nam, đã được tổ chức tại Quảng trường lễ hội Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh.

Ngày 27/11,  Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - vị Hoàng đế anh hùng, nhà văn hóa lớn, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử-Việt Nam, đã được tổ chức tại Quảng trường lễ hội Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh.

Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam... tổ chức.

Vị vua anh minh, tài trí,

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hai hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than.

Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng đến khuyến khích nông tang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác.

"Cư trần lạc đạo"- "Hòa quang đồng trần"

Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông giũ sạch bụi trần lên núi Yên Tử tu hành và lấy Đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà về sau đổi làm Trúc Lâm Đại Đầu Đà, kế thừa Huệ Tuệ Thiền Sư làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử. Trần Nhân Tông đã đổi tên Sơn môn Yên Tử thành Trúc Lâm Thiền phái, tự mình làm Đệ nhất Tổ với mục đích quy tụ ý trí, sức mạnh của toàn dân tộc hướng về một thế giới tâm linh thuần thiện, thuần mỹ, từ đó hóa thành tình thần đoàn kết của cả dân tộc Đại Việt.

Dòng tu thiền do Trần Nhân Tông sáng lập mang tính bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các nền văn hóa tư tưởng để hình thành nên một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt. Hạt nhân cơ bản của dòng thiền này là chữ Tâm với nghĩa "Tâm cứu độ chúng sinh, Tâm giải phóng dân tộc, Tâm hòa nhập cộng đồng".

Đã 700 năm trôi qua kể từ ngày Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16/11/1308), nhưng cùng với sự trương tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học Việt Nam với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" và "hòa quang đồng trần".

Tô điểm truyền thống "hộ quốc an dân"

Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông chính tại vùng đất Yên Tử giàu cổ tích và huyền thoại nơi Người đã tu hành đắc đạo và về với cõi Phật, coi đây là dịp để tưởng nhớ công lao bày tỏ tri ân trân trọng tài đức của Người cũng như các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn liệt vị, tôn túc trưởng thượng, trong Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước  trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước và tô điểm cho truyền thống "hộ quốc an dân" của Phật giáo nước nhà.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi sắt son chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc nước Việt. Tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ ngày càng nhất tâm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, nối tiếp tư tưởng "cư trần lạc đạo", "hoà quang đồng thuận" của Đức vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động "Đạo Pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Các đại biểu tham dự lễ đã dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thả bóng bay, phóng sinh chim bồ câu để cầu nguyện hoà bình, cầu cho quốc thái dân an và trồng cây lưu niệm tại khu di tích và danh thắng Yên Tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục