Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu

Thành phố Buôn Ma Thuột phải được thiết kế, xây dựng, vận hành để từng bước xác lập để vươn tới các cấp độ khác biệt-đặc diệt-duy nhất trở thành một trong những điểm đến về càphê quốc tế.
Xác lập các cấp độ 'khác biệt-đặc diệt-duy nhất' trở thành một thành phố càphê của Thế giới. (Ảnh: Vietnam+)
Xác lập các cấp độ 'khác biệt-đặc diệt-duy nhất' trở thành một thành phố càphê của Thế giới. (Ảnh: Vietnam+)

Với mục đích là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu càphê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác và các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng càphê lớn trên toàn cầu, trong khuôn khổ Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, ngày 11/3.

Trân quý sản phẩm làm ra

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn cầu hóa, thêm vào đó tình hình thế giới biến chuyển khó đoán định đòi hỏi chúng ta cần có nhưng thay đổi liên tục để thích ứng tình hình đó.

Theo đó, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nông sản hay mặt hàng càphê nói riêng không chỉ là câu chuyện buôn bán thông thường về giá cả hay hương vị, mà còn thể hiện rằng giá trị càphê, nông sản Việt đã và đang vươn xa, tiếp cận được đến những miền đất mới.

[Càphê Việt Nam đáp ứng nhu cầu toàn cầu bằng tiêu chuẩn quốc tế]

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, kinh doanh không chỉ là câu chuyện mua bán sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất cũng đồng thời là người bán, do đó trước hết cần phải có sự trân quý, nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra. Như vậy, người mua-người tiêu dùng cũng hài lòng và sẵn sàng chỉ trả mức giá tương xứng.

Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu ảnh 1Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, ngày 11/3. (Ảnh: Vietnam+)

“Càphê hay bất kỳ ngành hàng nông sản nào khác, bắt đầu được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình như vậy. ‘Nâng niu nông sản Việt-Nâng niu tâm hồn Việt-Nâng niu giá trị Việt’ là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam và trong đó càphê là một trong những mặt hàng chủ lực vươn ra thị trường thế giới,” ông Hà tâm huyết nói.

92% xuất khẩu nguyên liệu thô

Chia sẻ về thực trạng ngành càphê Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Ca cao-Càphê Việt Nam cho biết năm 2021, cả nước có 20 tỉnh trồng càphê với tổng diện tích 710.590 ha, trong đó có 647.600 ha cho thu hoạch. Tây Nguyên là vùng sản xuất càphê chính của cả nước, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm 213.000 ha.

Tổng quan càphê niên vụ năm 2021/2022, ông Đỗ Hoài Nam cho biết tổng lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 1,68 triệu tấn trong đó khoảng 92% xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô vào các thị trường chủ yếu là Đức, Mỹ, Italy, Bỉ, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Philippines, Algeria và Anh.

Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu ảnh 2 Các doanh nghiệp sản xuất càphê trong nước hướng tới thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng.(Ảnh: Vietnam+)

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,9 tỷ USD, đây là niên vụ đạt giá trị kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.

Nhận định xu hướng xuất khẩu càphê việt nam trong các năm tới, ông Nam cảnh báo khả năng càphê nhân Robusta Việt Nam xuất khấu có thể sẽ chịu sự cạnh tranh lớn từ Brazil (Conilon). Cụ thể, sản lượng Robusta Brazil dự kiến sẽ bằng và thậm chí vượt Việt Nam (vụ 22/23 dự kiến gần 1,4 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ-USDA).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức khác, từ biến động thị trường kỳ hạn, lãi suất tín dụng, tỷ giá, cước tàu, chính trị trên thế giới… đang ngày căng gia tăng và phức tạp.

“Những điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các phương án kinh doanh, công cụ tài chính phòng trừ rủi ro,” ông ông Đỗ Hoài Nam nói.

Một trong những giải pháp hữu hiệu được ông Nam chỉ ra, đó là các nhà sản xuất trong nước đang có nhận định xu hướng càphê chế biến nội địa trong các năm tới. Cụ thể, lượng càphê nhân được sử dụng tại thị trường trong nước dự kiến tiếp tục tăng, đặc biệt dùng để chế biến bột càphê hòa tan, ước tính tổng công suất sẽ tăng từ 60.000 tấn thành phẩm niên vụ 20/21 lên gần 90.000 tấn niên năm 22/23.

Kiến tạo lên sự khác biệt

Theo ông Trần Hữu Đức, Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend, về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, Chính Phủ đã giao Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột chủ trì xây dựng “Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố càphê của thế Giới” phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hoá địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Bên cạnh đó, Quốc hội ra Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây có thể được coi là những cột mốc vô cùng thiết yếu và quan trọng để hiện thực hoá tầm nhìn và nỗ lực kiến tạo Buôn Ma Thuột trở thành thành phố chủ đề tầm cỡ thế giới.

Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu ảnh 3Đắk Lắk có nền tảng đất đỏ bazan được hình thành từ hơn 160 triệu năm, là cái nôi để nuôi dưỡng lên hạt càphê Robusta ngon nhất thế giới. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Đức cho biết Tập Đoàn Trung Nguyên Legend đã được đồng hành cùng nhiều thế hệ lãnh đạo của Tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Buôn Ma Thuột và rất nhiều các học giả, chuyên gia nghiên cứu tâm huyết trong cũng như ngoài nước đã đồng hành với tầm nhìn này từ khi được khởi xướng đến nay.

Theo ông Đức, Đắk Lắk có nền tảng đất đỏ bazan được hình thành từ hơn 160 triệu năm, là cái nôi để nuôi dưỡng lên hạt càphê Robusta ngon nhất thế giới.

“Nhưng thiết yếu nhất để xác lập tính duy nhất nhất chính là nội hàm của CàPhê-Tinh thần - CàPhê-Xã hội. Đó là tư tưởng và tinh thần càphê có tính bao quát, bao trùm và dẫn dắt thế giới, nhân loại tiếp tục con đường phát triển hài hoà và bền vững ở mọi cấp độ. Tinh thần càphê này đi từ “Càphê Triết đạo nhân sinh” lên tới Càphê Đạo với các giá trị ‘Hoà-kính-Thanh tịnh-Trách nhiệm-Tôn tạo’ trong tất cả các mối quan hệ trong đời sống,” ông Đức nói.

Trên lập luận đó, ông Đức cho rằng thành phố Buôn Ma Thuột phải được thiết kế, xây dựng, vận hành từng bước đồng thời xác lập các cấp độ 'khác biệt-đặc diệt-duy nhất' để trở thành một “Thành phố càphê của thế giới.”

Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu ảnh 4(Nguồn: Trung Nguyên Legend)

Đề làm được điều này, ông Đức kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương cần có sự ưu tiên, ưu đãi vào 5 trụ cột: Chính sách công-cơ sở hạ tầng-nguồn nhân lực-tài chính-công nghệ, để từ đó tạo ra nền tảng đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn bộ Đăk Lắk, Tây Nguyên nói chung cùng ngành càphê và ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ giá trị gia tăng liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục