Một trạm trộn bêtông nhựa nóng tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, đã ngưng hoạt động nhiều năm bị rò rỉ nguyên liệu, phụ gia làm nhựa đường tràn ra môi trường.
Ngành chức năng thì lúng túng, còn chủ mỏ đá, nơi lắp đặt trạm trộn với diện tích hàng nghìn mét vuông đã báo cáo “không biết ai đặt trạm bêtông.”
Theo biên bản làm việc của ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa lập ngày 1/11 vừa qua, tại trạm trộn bêtông nhựa thuộc khu vực mỏ đá của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phúc Vinh (gọi tắt là Công ty Phúc Vinh), tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa, ghi nhận tình trạng nguyên liệu, phụ gia (nhựa đường, dầu FO) rò rỉ ra môi trường.
Cụ thể, nhựa đường, dầu FO chảy tràn trên bề mặt đất khoảng 100m2 và chảy ra con suối nhỏ với chiều dài khoảng 20m. Ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa yêu cầu Công ty Phúc Vinh khẩn trương khắc phục hậu quả việc nhựa, dầu chảy ra môi trường; tổ chức di dời trạm trộn hoặc thu gom hết dầu, nhựa khỏi các bồn chứa…; đồng thời báo cáo cơ quan chức năng.
Công ty Phúc Vinh đã tổ chức thu gom nhựa đường, dầu FO. Ngày 7/11, Công ty làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về việc có đối tượng phá hoại tài sản, làm mất uy tín Công ty và đề nghị cơ quan chức năng sớm điều tra, xác minh thủ phạm.
Đến ngày 4/12 vừa qua, sau buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông với cử tri xã Đắk R’moan, ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa tiếp tục phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, tiến hành kiểm tra thực tế tại trạm trộn bêtông này.
Đắk Nông: Xả thải sai quy định, 4 chủ trang trại bị phạt gần 1 tỷ đồng
Đoàn ghi nhận hầu hết nhựa đường, dầu FO đã được thu gom, không còn hiện tượng rò rỉ. Đoàn cũng lấy mẫu nước tại suối cạnh khu vực trạm trộn, lấy mẫu đất tại trạm trộn để gửi đi kiểm nghiệm các thành phần, thông số theo quy định.
Theo báo cáo giải trình của Công ty Phúc Vinh, Công ty được cấp phép khai thác đá tại mỏ vào năm 2007 và đến năm 2008 thì đi vào hoạt động khai thác đá xây dựng. Năm 2014, Công ty cơ bản ngưng hoạt động và đến năm 2016, bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tước giấy phép khai thác khoáng sản do không hoàn thành một số nghĩa vụ thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Cũng theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, Công ty Phúc Vinh không hoạt động khai thác đá và không cắt cử nhân viên trông coi mỏ đá. Do vậy, đã có đơn vị đặt trạm trộn bê tông nhựa trên đất của Công ty trong thời gian Công ty ngưng hoạt động và hiện Công ty Phúc Vinh “chưa xác định được chủ sở hữu của hệ thống trạm trộn bêtông nhựa nóng đang bỏ hoang này.”
Ông Nguyễn Đình Tòng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phúc Vinh, khẳng định đang tích cực tìm kiếm chủ sở hữu trạm trộn. Nếu tìm không ra, Công ty Phúc Vinh sẽ tháo dỡ, di dời trạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng cũng như để phục vụ cho việc khai thác đá sau này. Mọi chi phí chủ trạm trộn phải chịu trách nhiệm.
Làm việc với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Nguyễn Phương Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Gia Nghĩa, chỉ đồng ý cung cấp một số báo cáo, văn bản liên quan tới vụ việc, đồng thời từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên với lý do “không đủ chức năng, quyền phát ngôn.”
Theo một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, đây là một trạm trôn bêtông nhựa nóng quy mô khá lớn, chưa được cấp phép và đã được lắp đặt từ năm 2015. Việc lắp đặt, vận hành, sau đó bỏ hoang trạm trộn có trách nhiệm của chính quyền địa phương xã Đắk R’moan và ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa.
Tuy nhiên, đối tượng phải chịu trách nhiệm đầu tiên là Công ty Phúc Vinh, đơn vị đã được giao đất để phục vụ việc khai thác khoáng sản tại đây. Cũng theo vị này, Sở đang đợi kết quả xét nghiệm cũng như báo cáo của ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa mới có thể chốt phương án xử lý tình trạng rò rỉ nhựa đường, dầu FO ra môi trường, cũng như trạm trộn bê tông “vô chủ” nêu trên./.