Sau 20 năm thành lập, từ một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, Đắk Nông đã vươn mình trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện, Đắk Nông đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên bôxít phong phú, trữ lượng lớn và vị trí kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Nghị quyết Số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, ngày 1/1/2004, tỉnh Đắk Nông chính thức được thành lập.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm, giúp đỡ, ưu tiên nguồn lực của trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giúp Đắk Nông đạt nhiều thành tựu ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh trong 20 năm qua duy trì ổn định và bền vững, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) ước đến cuối năm 2023 đạt gần 45.000 tỷ đồng, gấp 24 lần so với năm 2004, góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập bình quân đầu người/năm. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Đắk Nông đạt trên 60 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 2004.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 đạt hơn 18.600 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2004; tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 3.500 tỷ đồng, gấp gần 18 lần so với năm 2004.
Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2022 còn gần 8%. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo đối với hộ dân tộc thiểu số tại chỗ đạt kết quả ấn tượng. Trong năm 2023, Đắk Nông giảm nghèo đối với hộ dân tộc thiểu số tại chỗ vượt hơn 3% so với chỉ tiêu từ đầu năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2004-2023 ước đạt hơn 116.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 dự kiến đạt gần 14.200 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với năm 2004.
Điểm nhấn trong phát triển công nghiệp của tỉnh Đắk Nông là dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam). Hiện chiếm khoảng 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp, hằng năm đóng góp gần 400 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
Đắk Nông đã và đang phát triển nhiều dự án thủy điện, công nghiệp năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh hiện có 15 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, với tổng công suất gần 360MW; hơn 1.600 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất gần 400MW; hai nhà máy điện Mặt Trời mặt đất, tổng công suất hơn 100MW.
Đắk Nông cũng có sáu nhà máy điện gió đang được xây dựng và đi vào vận hành, với tổng công suất 430MW, tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Nông đang phát triển toàn diện, mạnh mẽ cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi. Dù là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông vẫn là địa phương có diện tích trồng trọt ngày càng mở rộng, năng suất và sản lượng tăng cao; Ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, diện tích gieo trồng các loại cây trồng năm 2023 ước đạt 320.000ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2004. Một số cây trồng chiếm diện tích lớn và đạt sản lượng cao trong khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Điển hình như hồ tiêu có diện tích gần 34.000ha, đứng đầu cả nước; càphê hiện có hơn 141.000ha, đứng thứ ba cả nước; tổng đàn lợn ước hơn 500.000 con; tổng đàn gia cầm hơn 3,2 triệu con.
Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 12 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 ước đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là càphê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, sản phẩm alumin và MDF. Thị trường xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông ngày càng được mở rộng, hiện đã xuất khẩu đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Sau 20 năm thành lập và phát triển, Đắk Nông hiện được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhờ nhiều thắng cảnh tự nhiên và điều kiện khí hậu mát mẻ, môi trường trong lành.
Các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh hiện nay là Hồ Tà Đùng, cụm thác Đ'ray Sáp-Gia Long, đặc biệt là Công viên Địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là “công viên địa chất toàn cầu.”
Từ địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ, đến nay, mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 70% (so với 14% năm 2004); các tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ); Quốc lộ 28, tỉnh lộ, huyện lộ đã được nâng cấp, mở rộng.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) hiện đang được chuẩn bị đầu tư sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước và là địa phương phát triển bền vững, xã hội văn minh và văn hóa đặc sắc, nghĩa tình theo như Kế hoạch đã được Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành vào tháng 6/2023, Đắk Nông xác định ba đột phá chiến lược, cũng là ba nhóm giải pháp then chốt để thực hiện.
Ba nhóm giải pháp then chốt bao gồm: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông; và phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương./.
Đắk Lắk: Người nông dân làm giàu từ mô hình trồng dứa ở vùng đất cằn Ea Uôl
Mô hình trồng dứa thành công không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình anh Vàng A Chá mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con thôn Ea Uôl ở vùng sâu xã Cư Pui.