Đảm bảo công tác tham mưu, phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND

Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc sớm ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đảm bảo công tác tham mưu, phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND ảnh 1Một phiên họp Quốc hội. (Ảnh minh họa. Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 28/8, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là một trong những Nghị quyết có tầm ảnh hưởng rộng đến hoạt động của cơ quan dân cử, chính quyền địa phương cấp tỉnh trong cả nước; nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, công chức công tác tại các cơ quan này ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Ngoài ổn định tổ chức bộ máy của cơ quan giúp việc cho đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc ban hành Nghị quyết còn liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách năm 2021 cho địa phương sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.

Trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất hai văn phòng văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng trước đây, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; việc hợp nhất này không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội, hhội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh; vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng riêng của đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về cơ cấu, tổ chức của Văn phòng chung, dự thảo quy định lãnh đạo Văn phòng có chánh văn phòng và không quá 3 phó chánh văn phòng.

Đối với số lượng phòng, dự thảo Nghị quyết đề xuất theo hai phương án. Trong đó, phương án một là quy định Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có ba phòng gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính-Tổ chức-Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm một phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quyết định.

[Lập văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình]

Phương án hai là căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng phòng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, số lượng phó trưởng phòng của các phòng đảm bảo đúng quy định.

Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc sớm ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết đồng thời đề nghị rà soát một số nội dung cụ thể để đảm bảo kết cấu chặt chẽ, thống nhất.

Về các phòng chuyên môn, nhiều ý kiến thống nhất với phương án một. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ngoài ba phòng về công tác Quốc hội, về công tác hội đồng nhân dân, về hành chính-tổ chức-quản trị thì nên có phòng về công tác thông tin, dân nguyện.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) phân tích, Phòng Công tác thông tin, dân nguyện hay Phòng Tổng hợp thông tin dân nguyện là phòng cốt yếu. Bởi đây là cơ quan dân cử, có trách nhiệm lắng nghe, tập hợp ý nguyện của nhân dân, giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của dân. Phòng này cũng theo dõi đơn thư, kiến nghị, ý kiến của cử tri.

"Đây phải là phòng chuyên môn cứng vì nó gắn với chức năng của cơ quan dân cử," đại biểu Bùi Văn Phương chỉ rõ.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ biên chế Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đảm bảo cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng nhiệm vụ và không vượt quá số lượng biên chế của Văn phòng trước khi sáp nhập, hợp nhất.

Một số đại biểu cho rằng, do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân cấp tỉnh, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo từ Phó Trưởng phòng trở lên, nếu không được bổ nhiệm theo cơ cấu tổ chức mới quy định tại Nghị quyết thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm.

Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới sáu tháng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong thời gian sáu tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục