Đảm bảo đời sống nhân dân vùng thủy điện Lai Châu

Các đại biểu QH đề nghị di dân tái định cư thủy điện Lai Châu phải đảm bảo cho dân có điều kiện sinh sống, sản xuất tốt hơn nơi cũ.
Sáng 13/11, làm việc tại Hội trường thảo luận về chủ trương đầu tư dự án nhà máy thuỷ điện Lai Châu, các đại biểu Quốc hội đề nghị chính sách di dân tái định cư phải thực hiện trên nguyên tắc người dân phải có điều kiện sinh sống và sản xuất tốt hơn nơi ở cũ.

Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Thủy điện Lai Châu dự kiến được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đây là công trình thủy điện có vai trò quan trọng trong việc phát điện cung cấp cho đất nước, tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa kiệt; tạo cơ hội góp phần phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đặc biệt là huyện miền núi Mường Tè, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Đa số đại biểu đồng tình với Tờ trình báo cáo xin chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Dự án thủy điện Lai Châu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu là phù hợp với định hướng phát triển của ngành điện lực Việt Nam, phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lai Châu.

Triển khai xây dựng công trình thủy điện Lai Châu sẽ góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến quy mô công trình, các vấn đề công nghệ-kỹ thuật của dự án; vốn đầu tư xây dựng; độ an toàn của công trình, tác động môi trường và di dân tái định cư.

Các đại biểu Đặng Văn Chiến (Lai Châu), Lê Văn Học (Lâm Đồng), Cầm Chí Kiên (Sơn La), Trần Thị Kim Phương (Hà Nội), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với công tác di dân tái định cư thủy điện Lai Châu.

Theo số liệu của Chính phủ, số hộ và số dân phải chuyển đến nơi ở mới là 1.661 hộ với 5.867 khẩu thuộc 8 xã và 1 thị trấn. Do quỹ đất của Lai Châu đủ rộng nên các điểm tái định cư chủ yếu tập trung ở huyện Mường Tè.

Cơ chế tái định cư của dự án thủy điện Lai Châu được áp dụng như cơ chế di dân tái định cư của thủy điện Sơn La và cần rút kinh nghiệm công tác di dân tái định cư của thủy điện Sơn La để thực hiện ở dự án thủy điện Lai Châu nhằm đảm bảo chất lượng đời sống của người dân ở khu vực này.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của công trình đến đời sống nhân dân sau khi hoàn thành thủy điện; cần nghiên cứu chính sách cho người dân sau khi dự án hoàn thành để phát triển kinh tế-xã hội toàn diện ở địa phương.

Đại biểu Đặng Văn Chiến (Lai Châu), Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) và nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng các khu tái định cư cần chú trọng việc gắn công tác giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc...

Đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) và nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề kết cấu, độ an toàn, độ bền của công trình trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố bất thường của thời tiết do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra, cùng với các trường hợp xấu nhất khi các đập trên sông Đà cùng xả lũ.

Giải trình các băn khoăn của đại biểu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Biệt Nam Phạm Lê Thanh cho biết, công trình thủy điện Lai Châu nằm trong khu vực có cấu trúc địa chất và kiến tạo phức tạp, hoạt động động đất khá cao, không đều giữa các vùng.

Tài liệu nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm động đất khu vực thủy điện Lai Châu do Viện Vật lý Địa cầu lập năm 2004 đã được bổ sung và cập nhật đầu năm 2009, nhất là sau khi xảy ra động đất ở khu vực Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã khẳng định động đất tại Tứ Xuyên nằm xa khu vực Lai Châu, nằm trong cấu trúc Dương Tử Hoa Nam khác với cấu trúc Shan-Thái tại vùng Lai Châu và ngăn cách giữa bằng cấu trúc sông Hồng, các chấn động từ trận động đất này suy yếu và không ảnh hưởng đến vị trí xây dựng công trình thủy điện Lai Châu.

Cuối phiên họp sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 với 410 đại biểu tán thành, chiếm 83%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục