Đảm bảo quyền tự do thông tin, báo chí và Internet tại Việt Nam

Việt Nam đang có những bước đi hoàn thiện về pháp lý, phương tiện và nâng cao nhận thức để bảo vệ Quyền con Người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet.

Nhóm phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). (Ảnh: TTXVN)
Nhóm phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). (Ảnh: TTXVN)

Sau 37 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế, xã hội với nhiều thành tựu. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước đi lên trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn có đường lối chủ trương, đúng đắn nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của mỗi người dân.

Khẳng định quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Tự do ngôn luận, báo chí, Internet là quyền biểu đạt của từng con người trong xã hội, thể hiện trình độ văn minh, trình độ dân chủ của xã hội. Ngày nay, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được mở rộng toàn diện, gồm: Quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm, quyền được bảo vệ, đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, môi trường mạng Internet.

Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Tiến Dũng cho biết: Tại Việt Nam, mọi người dân đều được tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet.

Những thành tích của Việt Nam về Internet trong những năm qua là rất ấn tượng. Hạ tầng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, Internet đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông... cho tới xây dựng Chính phủ điện tử. Tính đến năm 2020, Việt Nam đã hỗ trợ đầu thu số cho 1,9 triệu hộ nghèo.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 9/2022, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng Internet; gần 76 triệu người sử dụng mạng xã hội, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).

Với kết quả ấn tượng này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Có thể thấy, Internet đang thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người, gia đình, hay rộng hơn là xã hội và toàn thế giới. Trong đó, mạng xã hội được xem là công cụ hữu hiệu, mở ra cơ hội cho các quốc gia chủ động xây dựng, củng cố những giá trị cốt lõi nhằm mang lại những giá trị về chính trị, kinh tế, xã hội, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nhân văn truyền thống.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là môi trường các thế lực thù địch, đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Giữ cho không gian mạng lành mạnh, an toàn, không ô nhiễm là nhiệm vụ của cả người dùng và cơ quan quản lý.

vnp-nguoi-dung-internet-1012-6183.jpg
Đến tháng 9/2022, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng Internet. (Ảnh: Vietnam+)

Bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mọi người dân

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm các quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của mọi người dân.

Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Các quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được khẳng định ngay trong Điều 10, Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Nhà nước Việt Nam, sau đó được tiếp tục ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Các quyền hiến định đó được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2023 quy định rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."

Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc, toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp. Luật Báo chí đã quy định rõ các điều khoản về bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức và cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình trong nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí, không phải kiểm duyệt; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, phát biểu ý kiến, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại...

Tuy nhiên, Thạc sỹ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Tất cả các quyền tự do báo chí, xuất bản, thông tin, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là các quyền tuyệt đối mà là các quyền có giới hạn.

Tại Việt Nam, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; nghiêm cấm những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội có những ứng xử phù hợp.

Hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền con người

Hiện, các văn bản, chính sách pháp luật về quản lý báo chí, thông tin trên Internet đang được Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện. Theo đó, Bộ triển khai quyết liệt, đúng tiến độ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, hướng tới một nền báo chí phát triển lành mạnh, nền tảng cho việc đổi mới mô hình, tổ chức, quản lý nền báo chí.

Bộ đang tiến hành việc sơ kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản, nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy phạm pháp luật, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Bộ tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nhằm tránh "báo hóa" trang thông tin điện tử, quản lý tốt hơn mạng xã hội và các dịch vụ thông tin xuyên biên giới.

ttxvn-tu-do-bao-chi-1012-3523.jpeg
Các phóng viên nước ngoài và Việt Nam tác nghiệp tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cùng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nhiều đề án, bộ quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường quản lý, điều hướng thông tin, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên môi trường mạng internet; thực hiện nghiêm túc thanh tra, xử phạt đối với các vi phạm của cơ quan báo chí, nhà xuất bản; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật; yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí tự nâng cao trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...

Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023-2028. Đề án nêu rõ 5 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 51 nhiệm vụ phân công rõ ràng trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan Trung ương, địa phương.

Nổi bật là việc nâng cao trách nhiệm, nhận thức và kỹ năng cho các lực lượng làm công tác nhân quyền ở cơ quan nhà nước; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người khai thác chung và do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, khai thác; ứng dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm, lưu trữ, lan tỏa dữ liệu truyền thông về Quyền con Người, hạn chế thông tin giả, tin xấu độc về Quyền con Người ở Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng khẳng định: Đảm bảo tự do báo chí, tự do internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhưng những đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của người dân, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh-chính trị của đất nước đều sẽ bị xử lý nghiêm.

Quá trình Chuyển đổi Số mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan quản lý trên không gian mạng. Việt Nam đang có những bước đi hoàn thiện về pháp lý, phương tiện và nâng cao nhận thức để bảo vệ Quyền con Người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Việc truyền thông về Quyền con Người cần đi trước để người dân hiểu đúng, đầy đủ về quyền, hạn chế quyền, trách nhiệm của mình phù hợp với chuẩn mực quốc tế, pháp luật Việt Nam. Điều này cần sự tham gia, phối hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là mỗi người dân để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, đảm bảo tốt nhất quyền tự do thông tin, báo chí, internet nói riêng, quyền con người nói chung - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục