Đàm phán RCEP có thể chệch hướng nếu bổ sung thành tố trong TPP

Chủ tịch Ủy ban đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cảnh báo việc bổ sung thêm một số thành tố trong TPP sẽ khiến tiến trình đàm phán chệch hướng.
Đàm phán RCEP có thể chệch hướng nếu bổ sung thành tố trong TPP ảnh 1(Nguồn: Post Western World)

Ông Iman Pambagyo - Chủ tịch Ủy ban đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - cảnh báo việc bổ sung thêm một số thành tố trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến tiến trình đàm phán chệch hướng.

Theo Bloomberg, phát biểu tại một diễn đàn ở Singapore hôm 22/3, ông Pambagyo nói rằng các bên tham gia đàm phán có quyết tâm chính trị hoàn tất RCEP, song vẫn còn có quan điểm khác biệt về lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Nội dung văn bản thỏa thuận hiện mới chỉ đạt 10%.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đàm phán RCEP đồng thời là Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia chia sẻ: “Tôi khá lạc quan về đàm phán liên quan đến mở cửa thị trường và văn bản về nội dung này có thể hoàn tất trong năm nay... Theo đánh giá của tôi, triển vọng tốt nhất là RCEP sẽ được ký kết trong năm tới."

Theo ông Pambagyo, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand cùng với 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cần phải chấp nhận quan điểm đa số về một vài lĩnh vực. Ông cũng hối thúc các nước tham gia đàm phán không đưa một số nội dung của TPP vào RCEP.

RCEP được xem là quan hệ thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sớm ký kết RCEP ngay sau khi chính quyền Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP. Ở tầm vĩ mô, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện rõ là người ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại.

Khác với TPP, RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng.

Ấn Độ hiện nêu yêu cầu tự do hóa hơn nữa về dịch vụ - ngành chiếm khoảng 50% GDP của nước này và có tác động đến dòng dịch chuyển lao động xuyên biên giới. Điểm bế tắc lớn nhất là việc nới lỏng các quy định giúp lao động trong ngành công nghệ thông tin làm việc ở nước ngoài.

Tại diễn đàn, ông Pambagyo cũng chia sẻ thông tin về nhiệm vụ đầy khó khăn trong việc tìm kiếm đồng thuận giữa các nhóm nước khác nhau, từ quốc gia kém phát triển như Lào cho tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Vòng đàm phán vừa qua tại Nhật Bản quy tụ 700 quan chức, với 10 nhóm làm việc khác nhau và hơn một nửa trong số này là các tiểu ban chuyên về hàng hóa và dịch vụ. Tiến trình đàm phán tới đây có thể sẽ huy động nguồn lực đông hơn nữa.

Theo ông Pambagyo, thảo luận về thống nhất văn bản chậm tiến triển vì nhiều lý do. Nhiều nước muốn giải quyết dứt điểm từng mục trước khi chuyển sang mục khác. Một số nước cử chuyên gia đàm phán tham gia nhiều nhóm làm việc khác nhau, dẫn đến không thể thảo luận song song. Số khác thì cho rằng không cần phải vội vã vì các vấn đề tiếp cận thị trường rất gai góc.

Vòng đàm phán sắp tới sẽ diễn ra tại Manila, Philippines trong tháng 5/2017, sau đó là các phiên thảo luận ở Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục