Ngày 12/7, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ tại thủ đô New Delhi đã kết thúc mà không đạt đột phá về các vấn đề tranh chấp hiện nay liên quan đến thuế quan hay các biện pháp bảo hộ thương mại mà hai nước đều đang áp dụng, gây căng thẳng quan hệ song phương.
Một quan chức cấp cao Ấn Độ tham gia đàm phán cho biết hai phái đoàn đàm phán đã trao đổi các vấn đề trong gần 3 giờ đồng hồ, song "không có đột phá."
Theo quan chức này, nhiều nội dung gai góc như vấn đề trợ giá nông nghiệp, thương mại điện tử, thuế thép và nhôm đã không được nêu ra tại cuộc đàm phán lần này.
Tuy nhiên, đây sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp sắp tới giữa Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhân chuyến thăm của ông Goyal tới Washington vào tháng tới.
Hiện, thời gian cụ thể chuyến thăm vẫn chưa được ấn định.
Trong khi đó, hai quan chức khác của Ấn Độ cho biết cuộc đàm phán ngày 12/7 tập trung làm rõ lập trường của Washington và New Delhi trong các vấn đề tranh chấp.
Hai quan chức này bày tỏ hy vọng một số vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết trong chuyến thăm sắp tới của ông Goyal tới Mỹ.
Hiện, cả Mỹ và Ấn Độ đều chưa đưa ra tuyên bố chính thức liên quan đến cuộc đàm phán vừa kết thúc.
Mỹ và Ấn Độ nối lại cuộc đàm phán thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản tháng trước, trong đó hai lãnh đạo đã nhất trí tìm cách tăng cường quan hệ song phương.
[Mỹ cáo buộc Ấn Độ chặn hàng hóa nhập khẩu không công bằng]
Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. Việc Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên," từ chối miễn trừ Ấn Độ khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm, và mới đây nhất là chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 đã khiến mối quan hệ đồng minh này rạn nứt.
Đáp trả động thái này, Ấn Độ đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16/6, lập luận rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Ngoài ra, Mỹ bất đồng với quy định về đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ, khiến 2 công ty của Mỹ là Amazone và Flipkart của Walmart phải cân đối lại các chiến lược kinh doanh tại thị trường này, trong khi New Delhi không tỏ ra có ý định điều có định điều chỉnh luật định này.
Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp Ấn Độ quan ngại chính quyền Tổng thống Trump có thể thúc đẩy một thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ-điều có thể làm giảm sức cạnh tranh của Ấn Độ, dẫn tới giảm xuất khẩu và gây tổn hại cho kế hoạch "Make in India" của Thủ tướng Modi.
Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng."
Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất tư chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.
Trong giai đoạn 2017-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 26,7 tỷ USD./.